Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 05/06/2024, 08:37 (GMT+7)

Quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, xử lý thế nào?

Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội như YouTube, TikTok, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng không ngại "thổi phồng" công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng.

Thời gian qua, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần phát đi cảnh báo liên quan đến những sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe... vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, thực tế trên các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến bệnh lý về dạ dày, xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường...

Hành vi quảng cáo gian dối, luồn lách này không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, lẫn lộn giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả. 

Thực phẩm chức năng quảng cáo gian dối, đủ chiêu lách luật

Theo rà quét mới đây từ Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), sản phẩm Cao Việt Hoàng của Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng (số nhà 6NV3, khu đô thị Lideco, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang có dấu hiệu quảng cáo sai công dụng của sản phẩm. Cụ thể, tài khoản Tik Tok có tên “Cao Việt Hoàng chính hãng” - giới thiệu trang của Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng, đăng tải nhiều video quảng cáo đặc trị trào ngược, viêm loét, khuẩn HP, chỉ cần ngày uống 2 cốc thì trào ngược đến mấy cũng ổn, cả đời không lo tái phát.

Người tiêu dùng không nên tin quảng cáo mà chi tiền mua sản phẩm Cao Việt Hoàng sử dụng.
Người tiêu dùng không nên tin quảng cáo mà chi tiền mua sản phẩm Cao Việt Hoàng sử dụng. (Ảnh: VietQ.vn)

Để tạo uy tín cho sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn đăng tải video khách hàng không rõ danh tính “nổ” công dụng trên Tik Tok như: “Lúc đầu tôi cũng không tin đâu, nhưng uống thử 15 phút thôi là thấy bụng êm, đỡ đau rất nhiều. Giờ tôi không còn bệnh dạ dày, không ợ hơi, ợ chua nữa...”. Một video khác được đăng tải như: “Chỉ cần sử dụng Cao Việt Hoàng 5 ngày là tất cả mọi cảm giác như tức bụng, ợ chua, trào ngược hoàn toàn biến mất...”. Ngoài ra, còn rất nhiều video khác trên Tik Tok quảng cáo sai công dụng Cao Việt Hoàng.

Chiêu thức tương tự cũng được tổ chức kinh doanh này sử dụng để quảng cáo trên nền tảng Facebook. Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng Cao Việt Hoàng được quảng cáo như thuốc trị dạ dày, giúp làm lành vết viêm loét dạ dày, điều trị các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hôi miệng; giúp ăn ngon, ngủ ngon, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tái phát.

Điển hình như fanpage “Cao Việt Hoàng điều trị dạ dày”, giới thiệu những ai mắc bệnh viêm loét, trào ngược, vi khuẩn HP chỉ cần sử dụng 2 lần/ ngày sẽ điều trị tận gốc “dù đau dạ dày 10-20 năm cũng là chuyện nhỏ”. 

Nhiều fanpage quảng cáo Cao Việt Hoàng trái quy định pháp luật. (Ảnh: VietQ.vn)
Nhiều fanpage quảng cáo Cao Việt Hoàng trái quy định pháp luật. (Ảnh: VietQ.vn)

Hay trang “Cao Việt Hoàng chữa lành dạ dày” cũng quảng cáo sản phẩm như “thần dược” trị bệnh. Theo quảng cáo, người dùng chỉ cần dùng 2 thìa Cao Việt Hoàng mỗi ngày sẽ cải thiện ngay trào ngược dạ dày, hết nóng rát vùng thượng vị, làm lành viêm loét dạ dày, hết các triệu chứng ợ hơi... Tại trang này, Cao Việt Hoàng còn được “nổ” là phương pháp nghiên cứu bởi TS. BS Phạm Việt Hoàng kết hợp công nghệ tiên tiến hàng đầu tại Đức và được hàng nghìn người tin tưởng sử dụng mà không cần dùng kháng sinh, không nội soi, không cần tới viện.

Ngoài ra, còn nhiều fanpage khác cũng quảng cáo Cao Việt Hoàng trái quy định của pháp luật. 

Quy định về cấm quảng cáo thực phẩm chức năng gian dối, quảng cáo sai sự thật

Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) dẫn lời Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật. 

Theo Điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. 

Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Cùng chuyên mục