Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 04/06/2024, 13:49 (GMT+7)

Sản xuất hàng giả là thực phẩm, giả mạo nhãn hàng hóa, chế tài xử lý thế nào?

Sản xuất hàng giả là mứt Tết, một người ở Vĩnh Phúc vừa bị khởi tố. Pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm?

Triệt phá lò sản xuất mứt Tết, thu giữ hàng trăm sản phẩm giả nhãn hiệu

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm (vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự do Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chuyển giao). Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lợi (HKTT: Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Thông tin ban đầu, trước đó, ngày 11/1, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã đột xuất tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lợi (địa chỉ tại tổ dân phố Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường).

hanggianhanhieu
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang cơ sở sản xuất mứt Tết giả trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lợi do ông Nguyễn Văn Lợi, trú quán tại tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đã hoàn tất công đoạn đóng gói với số lượng gần 800 hộp mứt Tết thành phẩm, trên nhãn hàng hóa ghi Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Hương Lập (địa chỉ ngõ 15, Hùng Vương - Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) với đa dạng thành phần gồm: Mứt lạc, mứt bí, mứt táo, mứt cà rốt, mứt dừa...

Ngoài số lượng hàng hóa thành phẩm, tại cơ sở còn có 20 hộp mứt Tết đã đóng thành phẩm nhưng chưa dán nhãn hàng hóa; 104 gói bên trong có chứa mứt, kẹo đã đóng gói, không có nhãn hàng hóa, chưa đóng vào hộp mứt và 1.295 nhãn hàng hóa dùng để gắn vào hàng hóa thành phẩm.

Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu, vật liệu mua vào và các giấy tờ có liên quan. Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Qua quá trình thẩm tra, xác minh và làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan, căn cứ hồ sơ, tài liệu có liên quan, Đội QLTT số 5 kết luận ông Nguyễn Văn Lợi đã có hành vi: Hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (hàng hoá là thực phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm (sản phẩm hoàn chỉnh) gần 7,5 triệu đồng.

Căn cứ các quy định hiện hành, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, tiếp nhận hồ sơ, tang vật vi phạm của ông Nguyễn Văn Lợi để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Sản xuất hàng giả là thực phẩm có bị xử lý hình sự?

Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật; hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Trong khi đó, Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, người phạm tội có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 2 - 20 năm hoặc tù chung thân. Trong đó, hình phạt cao nhất là tù chung thân được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên...

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể phải đối diện với mức phạt tiền từ 1 - 18 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm…

Mức xử phạt về hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa?

Điều 12 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và điểm a, b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả, bao bì hàng hóa, hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa được quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng;

Phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng; phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng;

Phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; phạt tiền từ 25 - 40 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều này; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Mặt khác, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Lưu ý, mức phạt tiền quy định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Cùng chuyên mục