Chủ nhật, 12/05/2024, 06:19 (GMT+7)

Hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ: Quy định xử lý thế nào?

Hàng lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Hermès, Adidas và Nike với số lượng lớn, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vừa bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ.

Loạt cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện

Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường, liên tiếp các ngày gần đây các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện lượng lớn hàng lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 7/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý Công an TP Phổ Yên đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh gồm: Hộ kinh doanh N.T.T, hộ kinh doanh N.N.L, cửa hàng XL thuộc hộ kinh doanh D.T.T.T đều có địa chỉ tại phường Ba Hàng, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; hộ kinh doanh P.K.C, hộ kinh doanh T.T.M và hộ kinh doanh N.H.S đều có địa chỉ tại phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

hanghoa1
Số hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Hermès trên địa bàn TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên giá trưng bày sản phẩm của các cửa hàng đang bày bán 97 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Hermès bao gồm: 57 đôi dép, 33 chiếc túi xách, 3 đôi giày, 4 chiếc thắt lưng. Tổng trị giá hàng hoá gần 30 triệu đồng.

Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện các hộ kinh doanh không cung cấp được bất cứ hoá đơn, chứng từ hay tài liệu gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hoá này. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 6/5, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên) cũng tiến hành khám kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH thương mại và công nghệ TNĐTN (có địa chỉ tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên), do ông L.V.T làm giám đốc.

hanghoa3
Tivi nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên.

Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện 15 chiếc tivi nhãn hiệu là hàng hóa nhập khẩu, do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tên thương nhân chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối hàng hóa, không có bất kỳ hóa đơn chứng từ gì liên quan kèm theo chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sau khi xác minh, đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng lậu. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 90 triệu đồng.

Tiếp đến, ngày 5/5, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm hộ kinh doanh ĐTPH do bà D.T.P.H làm chủ, có địa chỉ phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 650kg hoa quả các loại gồm: 30 thùng quả lê loại 10kg/thùng và 50 thùng dưa vàng loại 7kg/thùng. Các mặt hàng trên thùng đều có nhãn gốc ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Trong quá trình làm việc, bà H không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra xác định đây là hàng lậu, tổng trị giá hàng hoá hơn 9 triệu đồng.

hanghoa4
Tang vật vi phạm bị Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Cao Bằng tạm giữ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Cao Bằng.

Gần nhất, ngày 9/5, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Cao Bằng phối hợp với Đội 389 tỉnh Cao Bằng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng bán giầy, dép của hộ kinh doanh D.V.A (có địa chỉ: phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Kiểm tra tại cửa hàng, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas và Nike gồm: 27 đôi dép xốp nam người lớn nhãn hiệu Nike; 27 đôi dép xốp nam người lớn nhãn hiệu Adidas; 20 đôi giầy thể thao nam người lớn nhãn hiệu Nike và 35 đôi giầy thể thao nam người lớn nhãn hiệu Adidas.

Cơ quan quản lý thị trường cho biết, toàn bộ hàng hóa trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ kèm theo. Tổng trị giá tang vật vi phạm hành chính là hơn 18,47 triệu đồng theo giá niêm yết tại cơ sở kinh doanh. Đội QLTT số 5 tiến hành lập biên bản và ra quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm hành chính nêu trên để xác minh, làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử lý thế nào?

Liên quan tới nhãn hàng hóa, căn cứ tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ: "Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa".

Căn cứ Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như sau:

Điều 12. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý: Hành vi buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thì mức phạt tiền thấp nhất sẽ từ 4 – 8 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng.

Đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5 – 10 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng.

Trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có thể lên đến 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa vi phạm thì người có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng gồm: Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

hanghoa5
Cán bộ Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Cao Bằng kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Cao Bằng.

Người bán hàng lậu có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Hàng hóa nhập lậu gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định, người có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, mức phạt thấp nhất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3 triệu đồng; mức phạt cao nhất có thể lên đến 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Cùng với đó, phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200 triệu đồng trong các trường hợp sau đây:

Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

Hàng lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này; Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

Biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Cùng chuyên mục