Thứ tư, 16/08/2023, 13:38 (GMT+7)

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu nhập lậu, không rõ xuất xứ tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. 

can-than-khi-mua-banh-trung-thu-mini-40000d-cai-ban-tran-lan-tren-mang-202208191043505457
Bánh Trung thu đang được rao bán trên mạng xã hội với nhiều chủng loại và mức giá khác nhau

Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 1888/ATTP-NĐTT ngày 15/8/2023 đề nghị các đồng chí Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Cục An toàn Thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị có liên quan cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nội dung tuyên truyền việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đặc biệt, các đơn vị y tế trên địa bàn phải chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. 

nh chụp màn hình 2023-08-16 104745
Sử dụng bánh trung thu không đảm bảo VSATTP có thể nguy hiểm đến tính mạng

Bánh trung thu là một sản phẩm được chế biến từ đa dạng các loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh,... Việc kiểm soát nguyên liệu không được đảm bảo và chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để sản xuất và kinh doanh bánh trung thu an toàn đòi hỏi các cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải đáp ứng được các yêu cầu theo TCVN 12940:2020 Tiêu chuẩn Quốc gia về bánh nướng, cũng như thiết lập hệthống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y Tế; thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm và quy định về nhãn sản phẩm như: Tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, thành phần và thành phần định lượng, thông số kỹ thuật và thông tin cảnh báo, các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hoá,… Riêng, đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.

Với thị trường bánh trung thu đa dạng với nhiều mẫu mã khác nhau như hiện nay, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý những tiêu chí sau để lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình của mình:

Chú ý theo các tiêu chí quy định trong Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng (TCVN 12940:2020), bánh dẻo (TCVN 12941:2020). Theo đó, bánh trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì…

Chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng hay bao bì rách nát, sản phẩm bị móp méo hoặc có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ…

Cùng chuyên mục