Lấp 'lỗ hổng' tự công bố sản phẩm, gian thương sắp hết thời ngang nhiên quảng cáo 'láo'
Thực phẩm bổ sung hiện không thuộc nhóm sản phẩm phải đăng ký bản công bố theo Nghị định 15/2018, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự gán nhãn, tự công bố và ngang nhiên quảng cáo sản phẩm sai lệch công dụng.
Bộ Y tế vào cuộc, lương y 'dỏm' hết thời quảng cáo 'láo'
Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cơ chế “tự công bố” để quảng cáo sai lệch, phóng đại công dụng, thậm chí đánh tráo khái niệm giữa thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Lỗ hổng này lâu nay đã khiến thị trường thực phẩm chức năng trở nên hỗn loạn, người tiêu dùng bị “bủa vây” bởi những lời quảng cáo hấp dẫn nhưng thiếu căn cứ.
Theo quy định hiện hành, thực phẩm bổ sung vốn là một phân nhóm trong thực phẩm chức năng, không nằm trong danh mục sản phẩm bắt buộc phải đăng ký bản công bố. Điều này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp tùy tiện tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất, sau đó triển khai chiến dịch truyền thông rầm rộ, gắn mác “thực phẩm bổ sung”, nhưng quảng cáo như “thuốc chữa bệnh”. Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp tự xác định thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thực phẩm bổ sung để “né” quy định khắt khe hơn về công bố và quảng cáo.

Trong thực tế, nhiều sản phẩm đã lợi dụng cơ chế tự công bố và không phải đăng ký nội dung quảng cáo để đẩy mạnh truyền thông sai lệch, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, lời hứa “hỗ trợ điều trị” hay “giảm cân nhanh chóng” mà không có bất kỳ kiểm chứng khoa học nào. Tình trạng này không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, một số vụ việc gần đây như sản phẩm Supergreen Gummies (kẹo rau củ Kera) quảng cáo vi phạm, hay các đường dây sản xuất - tiêu thụ thực phẩm chức năng giả đã làm dấy lên lo ngại về quản lý quảng cáo trong lĩnh vực này.
Dự thảo sửa đổi của Bộ Y tế nhằm bổ sung cơ chế kiểm soát chặt hơn với thực phẩm bổ sung ngay từ khâu công bố hồ sơ, thành phần sản phẩm, cho đến nội dung quảng cáo trước khi đưa ra thị trường. Cụ thể, doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì chỉ tự công bố như trước. Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, đăng tải công khai thông tin, xây dựng kế hoạch hậu kiểm, và xử lý khi phát hiện vi phạm.
Một điểm mới nổi bật là đề xuất tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính của doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, công bố và quảng cáo sản phẩm. Những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị dừng xử lý hồ sơ cho đến khi có quyết định xử lý chính thức và chấp hành xong nghĩa vụ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ được phép thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, và gỡ bỏ thông tin sản phẩm trên hệ thống công bố.
Theo Bộ Y tế, kinh nghiệm quốc tế từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy các nước đều có quy định quản lý chặt đối với nhóm thực phẩm chức năng, đặc biệt là khâu quảng cáo. Việc phóng đại công dụng không chỉ là hành vi vi phạm luật quảng cáo mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu người tiêu dùng tin tưởng thay thế thuốc điều trị bằng các sản phẩm này. Vì vậy, dự thảo lần này cũng hướng tới nâng cao vai trò hậu kiểm, kiểm tra thực tế sản phẩm sau khi đã công bố và đưa ra thị trường, thay vì chỉ “tin vào cam kết” như trước đây.
Việc sửa đổi quy định không chỉ là vấn đề kỹ thuật trong quản lý hành chính, mà còn là cơ hội để điều chỉnh hành vi truyền thông của doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cao hơn với các cơ quan truyền thông, đơn vị sản xuất nội dung quảng cáo, nền tảng số - những bên có vai trò lan truyền, chia sẻ và khuếch đại các thông tin về sản phẩm.
Trong bối cảnh Luật Quảng cáo đang được sửa đổi toàn diện, đề xuất này của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ về pháp lý trong việc kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là nhóm thực phẩm bổ sung vốn lâu nay bị bỏ ngỏ trong các chế tài quản lý. Khi sản phẩm được quản lý đúng bản chất, quảng cáo được kiểm duyệt chặt chẽ và người tiêu dùng được tiếp cận thông tin minh bạch, đó chính là nền tảng cho một thị trường lành mạnh, phát triển bền vững.