Trà xanh và nghệ: Tưởng lành tính lại hóa hại gan nếu dùng sai cách
Không phủ nhận công dụng của nghệ, trà xanh hay thảo dược. Tuy nhiên, liều lượng và cách sử dụng sẽ quyết định nó là “thần dược” hay “độc dược”.
Bất ngờ với 4 thực phẩm giàu Omega-3 hơn cả cá – Ăn mỗi ngày để não khỏe, tim mạnh
7 thói quen uống cà phê dễ gây hại gan thận: Chỉ cần mắc 1 cũng nên thay đổi sớm
Tập luyện bao nhiêu là đủ để hỗ trợ chức năng thận? Hướng dẫn bài tập nhẹ nhàng cho người bệnh thận
Các thực phẩm bổ sung từ trà xanh, nghệ hay thảo dược tự nhiên là giải pháp tăng cường sức khỏe an toàn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Đại học Michigan lại cho thấy mặt tối đáng lo ngại: dùng sai liều, sai cách, những "thần dược" này có thể âm thầm hủy hoại gan.
Nguy hiểm từ niềm tin mù quáng vào thảo dược “tự nhiên”
Từ 2017 đến 2021, nhóm nghiên cứu đã khảo sát gần 10.000 người Mỹ và phát hiện: gần 5% người trưởng thành đã sử dụng thực phẩm bổ sung có nguy cơ gây hại gan chỉ trong vòng 30 ngày trước thời điểm khảo sát. Trong đó, nghệ và chiết xuất trà xanh là hai cái tên phổ biến nhất.
Tưởng chừng lành tính, những chất chiết xuất từ tự nhiên như nghệ (curcumin) – thường dùng để hỗ trợ giảm viêm và trà xanh cô đặc (EGCG) – được quảng bá như thuốc tăng năng lượng, chống oxy hóa, lại có thể gây độc cho gan khi dùng ở liều cao hoặc kéo dài, đặc biệt nếu không có chỉ dẫn y tế.
Cần nhấn mạnh: nghiên cứu không nói đến việc uống trà xanh hay ăn nghệ trong bữa ăn thông thường, mà đề cập đến việc sử dụng các sản phẩm chiết xuất cô đặc hoặc dạng viên bổ sung, thường có hàm lượng cao gấp nhiều lần mức an toàn.

Các triệu chứng nhiễm độc gan có thể xuất hiện âm thầm: vàng da, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, ngứa hoặc xét nghiệm men gan tăng bất thường. Nếu không được phát hiện sớm, tình trạng này có thể tiến triển thành viêm gan cấp, suy gan hoặc thậm chí tử vong.
Theo thống kê, tỷ lệ nhập viện do tổn thương gan liên quan đến thực phẩm bổ sung tại Mỹ đã tăng từ 7% (năm 2004) lên hơn 20% (năm 2014). Các chuyên gia cảnh báo rằng hiện nay nhiều người vẫn quan niệm sai lầm rằng “tự nhiên là vô hại” – một suy nghĩ có thể gây hậu quả khôn lường.
Chiết xuất mạnh, tác dụng phụ mạnh
Một số thảo dược khác cũng nằm trong “danh sách cảnh báo” của các nhà khoa học gồm:
-
Garcinia cambogia: thường có trong sản phẩm hỗ trợ giảm cân.
-
Black cohosh (rễ cây rắn đen): hỗ trợ điều trị triệu chứng mãn kinh.
-
Gạo men đỏ: dùng để giảm cholesterol nhưng có thể tương tác với thuốc tây.
Những sản phẩm này hiện được bán rộng rãi trên thị trường mà không cần kê toa, thậm chí đôi khi còn được người tiêu dùng sử dụng kết hợp nhiều loại, làm gia tăng nguy cơ tương tác thuốc hoặc quá liều mà chính họ không hề hay biết.
Khác với thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng từ thảo dược ở nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Úc không bắt buộc phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt trước khi ra thị trường. Hệ quả là chất lượng, liều lượng và độ an toàn giữa các sản phẩm chênh lệch rất lớn.
Một phân tích hóa học gần đây cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt giữa hàm lượng ghi trên nhãn và hàm lượng thực tế trong viên uống, khiến người dùng có thể vô tình dùng quá liều.
Lời khuyên từ chuyên gia: Thận trọng, đừng tự quyết định
Tiến sĩ Alisa Likhitsup – Chuyên gia tiêu hóa tại Đại học Michigan khuyến cáo: “Không phải ai cũng nên dùng thực phẩm chức năng, nhất là khi có bệnh gan nền, đang dùng thuốc dài hạn hoặc có hệ miễn dịch yếu". Bà cũng nhấn mạnh, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi thêm bất kỳ sản phẩm nào vào chế độ chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Về phía cơ quan chức năng, các nhà khoa học đề xuất cần siết chặt quản lý việc quảng bá, kiểm nghiệm và hậu kiểm đối với thực phẩm bổ sung, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về những rủi ro có thể ẩn sau vẻ ngoài “lành tính” của các sản phẩm từ thiên nhiên.
Dù không phủ nhận lợi ích tiềm năng của nghệ, trà xanh hay thảo dược, tuy nhiên việc dùng đúng và dùng phù hợp là điều không thể xem nhẹ. Bảo vệ gan – một trong những cơ quan sống còn bắt đầu bằng việc hiểu rõ cơ thể mình và dùng đúng cách những gì đưa vào người.