Gần 2.000 gói cà phê Phạm Phong Phú là hàng giả, không có thành phần caffeine
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa chuyển hồ sơ liên quan đến 1.900 gói cà phê Phạm Phong Phú đến cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Gia đình & Xã hội đưa tin, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh An Giang) vừa hoàn tất thủ tục, chuyển hồ sơ vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện An Phú để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này được lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện vào ngày 4/4 khi kiểm tra, khám phương tiện vận tải mang BKS 51C-230.46.
Thời điểm kiểm tra, ô tô này đang vận chuyển 1.900 gói cà phê Phạm Phong Phú, có thành phần ghi trên nhãn là Robusta, Arabica, Moka, Bơ, hương liệu tổng hợp; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: Độ ẩm ≤5%, Hàm lượng caffeine ≥1%, chất tan trong nước ≥25%; khối lượng tịnh 500g/gói; NSX: 03/4/2024; HSD: 03/10/2024; được sản xuất tại cơ sở Phong Phú, địa chỉ: Số 5376 tổ 01, ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, số lượng 1.900 gói.
Nhận thấy hàng hóa trên không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu không đạt chất lượng, lực lượng chức năng đã lấy mẫu thử nghiệm chất lượng; đồng thời tạm giữ, niêm phong tất cả hàng hóa nêu trên để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho thấy không phát hiện hàm lượng caffeine trong mẫu cà phê Phạm Phong Phú. Ước tính trị giá tang vật theo Hội đồng định giá là 81,7 triệu đồng.
Tài xế phương tiện kiêm chủ thương hiệu cà phê trên là ông Phạm Th. Đ. (trú tại tổ 01, khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra hộ kinh doanh Phong Phú do ông Phạm Th. Đ. làm chủ (tổ 01, ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú) thì phát hiện thêm 103 gói cà phê bột Phạm Phú Phong (loại 500gram).
Ông Đ. cũng không xuất trình được hồ sơ công bố sản phẩm. Hàng hóa nêu trên có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Do đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ tang vật để làm rõ, xử lý theo quy định.
Qua thẩm tra, xác minh 2 vụ việc trên, lực lượng chức năng xác định, hộ kinh doanh Phong Phú sản xuất, buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng đối với 1.900 gói cà phê Phạm Phong Phú.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo Điều 193 Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, ngày 7/5/2024, Đội QLTT số 1 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện An Phú để xem xét, tiếp tục điều tra làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
- Khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả tại Công ty LIFAN - Việt Nam
- Hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ: Quy định xử lý thế nào?