Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 14/05/2024, 15:45 (GMT+7)

Khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả tại Công ty LIFAN - Việt Nam

Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, sau gần 5 tháng nhận bàn giao hồ sơ và tang vật từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên, mới đây, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Khoản 3, Điều 192 Bộ Luật hình sự đối với vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu, trước đó, hồi tháng 9/2023, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khám xét phương tiện đối với xe ô tô tải BKS 89H-009.06. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trên thùng xe có 70 chiếc xe máy nhãn hiệu Bosscity S50-P và 5 chiếc xe máy nhãn hiệu Bosscity S50. Tất cả đều kèm theo các hộp phụ kiện gồm: Bình ắc quy, cần số, gương, chân chống phụ, cao su giàn, bộ dụng cụ, giàn để chân người lái.

Tiến hành làm việc, lái xe đã cung cấp tờ hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam, đồng thời cho biết toàn bộ số hàng hóa nói trên là hàng hóa của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam, và lái xe chỉ chở thuê. Đại diện của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam cũng thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên là của Công ty, đồng thời cung cấp 75 phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho xe cơ giới của 75 chiếc xe máy.

Tuy nhiên, qua giám định các động cơ của 75 xe máy đều cao hơn 50 cm3 (phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho xe cơ giới công ty cung cấp thể hiện dung tích làm việc của xi lanh động cơ là 49,5 cm3). Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ 75 chiếc xe máy để tiếp tục xác minh, làm rõ.

xemay2
Kết quả giám định xác định lô hàng gồm 70 chiếc xe gắn máy hai bánh nhãn hiệu Bosscity S50P và 5 chiếc xe gắn máy hai bánh nhãn hiệu Bosscity S50 không phù hợp với xe đã được chứng nhận. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Ngày 15/9/2023, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Hưng Yên) đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam giám định dung tích động cơ, chế hòa khí, vành xe, lốp xe máy của lô xe máy (75 chiếc) mà đơn vị đang tạm giữ. Kết quả giám định xác định lô hàng gồm 70 chiếc xe gắn máy hai bánh nhãn hiệu Bosscity S50P và 5 chiếc xe gắn máy hai bánh nhãn hiệu Bosscity S50 không phù hợp với xe đã được chứng nhận.

Ngoài ra, kết quả làm việc với đại diện của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam cũng xác định, toàn bộ 75 chiếc xe máy nói trên là hàng hóa do công ty sản xuất, lắp ráp theo đơn đặt hàng, trên đường vận chuyển thì cơ quan chức năng kiểm tra, tạm giữ.

Căn cứ các tài liệu xác minh, thu thập, Công an tỉnh Hưng Yên xác định Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam có dấu hiệu tội phạm của hành vi sản xuất hàng giả có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký và ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giới thiệu, Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam được thành lập ngày 22/8/2008 và có địa chỉ trụ sở chính tại đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mô tô, xe máy; chi tiết gồm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng xe gắn máy, và động cơ xe mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện; sản xuất lắp ráp xe máy điện, xe đạp điện. Người đại diện theo pháp luật công ty là Tan Juan.

Cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi sản xuất, buôn bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, hàng hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, khi chưa đủ căn cứ để xử lý về hình sự thì được xử lý hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm: Hàng giả trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn. Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

Hàng giả trị giá dưới 20 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Hàng giả trị giá dưới 20 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31 - 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

Cùng đó, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, phạt tù từ 7 - 15 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với các hành vi trên, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khác, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 – 3 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 – 6 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6 – 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Cùng chuyên mục