Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 22/05/2024, 05:51 (GMT+7)

Quảng cáo mỹ phẩm không phép, công ty phân phối sữa rửa mặt Innisfree bị phạt nặng

Quảng cáo mỹ phẩm không phép, Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam bị xử phạt 115 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam kém chất lượng.

Kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm không phép

Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa ban hành quyết định xử phạt, buộc thu hồi và tiêu hủy lô mỹ phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam do Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam (lầu 4A, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) phân phối, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TPHCM.

Cụ thể, ngày 15/5, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam số tiền 115 triệu đồng.

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam đã có các hành vi vi phạm gồm: Kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt (mỹ phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam, tuýp 150g, số lô K50689, HSD 3/10/2026, sản phẩm có chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm).

Bên cạnh đó, Công ty Amorepacific Việt Nam còn có hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo.

Ngoài bị phạt tiền, Công ty Amorepacific Việt Nam còn bị buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; buộc thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm vi phạm nêu trên; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo mỹ phẩm hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.

suaruamat1
Công ty Amorepacific Việt Nam bị xử phạt và buộc tiêu huỷ lô mỹ phẩm sữa rửa mặt Innisfree Bija Trouble Facial Foam kém chất lượng. Ảnh minh họa.

Ở diễn biến liên quan, trước đó, ngày 9/4, thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị này đã ban hành thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với sản phẩm sữa rửa mặt Innisfree Bija Trouble Facial Foam.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam - Tuýp 150g, số lô: K50689, HD: 03102026. Sản phẩm do Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam (quận 1, TPHCM) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Đơn vị sản xuất là Cosvision Co., Ltd - Korea.

Theo Cục Quản lý Dược, lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Được biết, mẫu mỹ phẩm sữa rửa mặt trên được Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM lấy mẫu tại Cửa hàng Innisfree Aeon Mall Tân Phú (có địa chỉ tại tầng G, 30 bờ bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) để kiểm tra chất lượng thì phát hiện sai phạm nêu trên.

Trên thị trường, Innisfree Bija Trouble Facial Foam được giới thiệu là sản phẩm sữa rửa mặt dành cho da mặt mụn. Acid salicylic là một hợp chất tẩy tế bào chết hóa học.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giới thiệu, Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam được thành lập ngày 5/5/2010 và có địa chỉ trụ sở chính tại lầu 4A tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; chi tiết gồm: Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn vali, cặp, túi, ví, hàng da và giả da; nước hoa, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh. Người đại diện theo pháp luật công ty là Seo MooYoul.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định. Sau khi hoàn thành, công ty gửi báo cáo thu hồi lô sản phẩm này về Cục Quản lý Dược.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM kiểm tra Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Bên cạnh đó, giám sát công ty thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm sai phạm, xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định.

Quảng cáo mỹ phẩm không phép bị xử phạt ra sao?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Tiếp đó, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) cũng quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm: Thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Như vậy, những nội dung quảng cáo thuộc danh sách các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm, hoá chất, trang thiết bị y tế, sinh học, dịch vụ khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế, chế phẩm sinh học,... phải được cấp giấy xác nhận trước khi thực hiện bất kể phương tiện quảng cáo là gì. 

Về hình thức xử phạt, theo khoản 1 Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (với cá nhân) hoặc từ 40 - 50 triệu đồng (với tổ chức).

Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 71 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế khi vi phạm quy định về mua bán mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm quy định, hành vi kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm dưới 20 triệu đồng hoặc phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20 triệu đồng trở lên tính theo giá bán đối với tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Cùng đó, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thực hiện kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng; Kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nếu thực hiện hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Mặt khác, buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cùng chuyên mục