Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 12/05/2024, 13:50 (GMT+7)

Kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chế tài quản lý, xử phạt sao?

Quảng cáo, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra tràn lan trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...), khiến người tiêu dùng dễ sập bẫy và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

“Mê hồn trận” mỹ phẩm không nguồn gốc

Với xã hội phát triển như hiện nay, mỹ phẩm là thứ khó có thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chị em phụ nữ và ngay cả với nam giới. Số lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao đã khiến mỹ phẩm trở thành mục tiêu làm nhái, làm giả của các đối tượng phi pháp. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục thu giữ, xử phạt các hành vi buôn bán, sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh mỹ phẩm vẫn bất chấp để nhập lậu, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc…

Điển hình, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường, mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 16 triệu đồng đối với bà P.X.N (chủ kho hàng tại thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) do đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

QLTT đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm là bánh xà phòng và kem dưỡng da gồm: 1.013 bánh xà phòng cam nghệ tự nhiên Galong; 3.988 sản phẩm mỹ phẩm đựng trong 997 túi khóa là garnier-làn da tự nhiên; kem da chứa clobetasol propionate và gentamicin; kem Myanmar chính hãng số 13 day loại A.

Tương tự, cũng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vào cuối tháng 4 vừa qua, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với  hộ kinh doanh mỹ phẩm có địa chỉ tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ lô mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 15 triệu đồng.

Quá trình xác minh thông tin và kiểm tra, cơ sở đang kinh doanh sữa tắm các loại xuất xứ Thái Lan nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trị giá tang vật vi phạm gần 15 triệu đồng. Tại thời điểm làm việc, đại diện cơ sở kinh doanh cho biết toàn bộ số mỹ phẩm nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán cho người tiêu dùng.

mypham2
Lực lượng quản lý thi trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk.

Gần nhất, tại Đắk Lắk, qua giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cá nhân có kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, lực lượng quản lý thị trường địa phương đã xử phạt 25 triệu đồng đối với bà H.T.T.H và 24,5 triệu đồng đối với ông L.Đ.H (có cơ sở kinh doanh tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) về hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Cụ thể, kết quả kiểm tra cho thấy ông L.Đ.H đang bày bán 527 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao gồm kem dưỡng da, kem chống nắng, son môi…  với tổng giá trị 27,4 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện ông H hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Đối với cơ sở của bà H.T.T.H, kiểm tra thực tế hàng hóa cho thấy bà H bày bán 50 cây son môi các loại với tổng trị giá 30,8 triệu đồng, trên nhãn hàng hóa có tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không thể hiện nội dung về nguồn gốc xuất xứ. Bà H.T.T.H không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của số hàng nêu trên.

Cũng tại Đắk Lắk, trước đó, thời điểm cuối tháng 3/2024, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông H.P.Đ có địa chỉ tại phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm làm việc, đoàn công tác phát hiện tại cơ sở kinh doanh của ông H.P.Đ có 9 nhân viên đang tiếp thị các mặt hàng mỹ phẩm tới khách hàng thông qua điện thoại.

Kiểm tra thực tế hàng hóa cho thấy, ông H.P.Đ đang bày bán 300 hộp mỹ phẩm loại kem bôi ngoài da chống nắng và 500 hộp mỹ phẩm là kem dưỡng da không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị 25 triệu đồng. Ông H.P.Đ sau đó bị cơ quan chức năng xử phạt 17 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Siết chặt quản lý ra sao?

Theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở buôn bán mỹ phẩm nhưng không đứng tên trên hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm khi thực hiện hoạt động kinh doanh mỹ phẩm phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, trong đó phải đảm bảo kinh doanh mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được phép lưu hành trên thị trường.

mypham1
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang thực hiện giám sát tiêu hủy đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Hà Giang.

Căn cứ theo điểm a khoản 12, điểm a khoản 14 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP), hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế;

b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;

c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị áp dụng các mức phạt tiền như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng; phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng; phạt tiền từ 6 – 10 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng.

Tiếp đó, phạt tiền từ 10 – 14 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 14 – 20 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 40 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Tương tự, phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng. Phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm thì bị phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân, theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Thông tin trên báo chí, tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững" diễn ra vào chiều 19/4 vừa qua, ông Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, nhằm tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ này đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.

Việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử) hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm.

Cùng đó, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.

Theo đó, các nội dung chính sách dự kiến tại Nghị định này bao gồm 3 chính sách. Trong đó, tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm, cùng với đó là nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước.

Cùng chuyên mục