Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 11/03/2024, 12:16 (GMT+7)

Quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh: Luật quy định như thế nào?

Các cá nhân, thương hiệu sử dụng từ ngữ “ngăn chặn”, “chữa khỏi”, “trị mụn”... trong quảng cáo mỹ phẩm được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

“Loạn” quảng cáo mỹ phẩm

Hiện nay, không khó để người tiêu dùng có thể tìm kiếm và bắt gặp các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm mỹ phẩm tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý, nhiều quảng cáo có dấu hiệu vi phạm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, dễ gây nhiều hiểu nhầm giống như thuốc chữa bệnh.

Đơn cử, các sản phẩm chăm sóc da mụn của Công ty TNHH Hera Group được quảng cáo rầm rộ tại website myphamhera.com với các từ ngữ dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là các sản phẩm thuốc chữa bệnh. Cụ thể, Kem trị mụn Onete, Serum trị mụn Lavish, Viên uống ngăn ngừa mụn Martiderm… đều được giới thiệu chức năng “trị mụn” hay “điều trị” hết mụn, “đặc trị” mụn, “trị tận gốc” các loại mụn.

nh 1
Các loại mỹ phẩm chăm sóc da mụn được giới thiệu chức năng “điều trị mụn” dễ gây hiểu nhầm là thuốc

Các nội dung quảng cáo trên website của Hera Group nhấn mạnh, sản phẩm Kem trị mụn Onete, Serum trị mụn Kyung La có khả năng điều trị tất cả các loại mụn, từ mụn cám, mụn sưng viêm, mụn đầu đen, mụn ẩn…

Website myphamphuongtrang.vn thuộc công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang quảng cáo sản phẩm “Kem đặc trị mụn siêu tốc CHAMIS”.

nh 2
Quảng cáo sản phẩm “Kem đặc trị mụn siêu tốc CHAMIS” của công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang

Tương tự 2 trang web trên, website myphamyteangel.vn của Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý cũng đang quảng cáo các bộ sản phẩm, mỹ phẩm chăm sóc da mụn với công dụng tương tự như thuốc “điều trị”. Theo đó, bộ sản phẩm Doctor Angel bao gồm 4 sản phẩm: Kem đặc trị mụn, Serum trị mụn, Sữa rửa mặt và Viên thải độc da. Đáng chú ý, những sản phẩm này giới thiệu công dụng dễ gây hiểu nhầm tựa như một vị thuốc có thể “trị” tận gốc các loại mụn.

Chị N.T.H. (Hà Nội) là người rất quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc da mụn bởi thường xuyên gặp phải tình trạng này. Chị H. cho biết, mỗi khi tìm kiếm trên mạng, không ít sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là có thể điều trị mụn nhanh chóng, dứt điểm. Tuy nhiên, sau khi mua về dùng thử thì tình trạng mụn viêm của chị không thể thuyên giảm.

Chị H. cũng bày tỏ sự băn khoăn khi không biết những sản phẩm kia có phải là thuốc trị mụn hay chỉ là sản phẩm hỗ trợ chăm sóc da mụn.

“Nếu chỉ là sản phẩm hỗ trợ chăm sóc da mụn nhưng lại được quảng cáo là thuốc trị mụn, vậy không phải là đang lừa dối khách hàng hay sao?” - chị H. băn khoăn.

nh 3
Người tiêu dùng hoang mang, hiểu nhầm các sản phẩm được quảng cáo là "thuốc chữa mụn"

Các quy định về quảng cáo mỹ phẩm chăm sóc da

Liên quan đến các quy định của pháp luật về nội dung quảng cáo những sản phẩm chăm sóc da, theo ông Lê Thanh Lâm, Thạc sĩ Luật - Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, phương tiện, điều kiện, hình thức trình bày… của các nội dung quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 17 Luật Quảng cáo 2012. Ngoài ra, việc quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo phải tuân thủ các quy định về quảng cáo trên từng phương tiện được quy định từ Điều 18 đến Điều 38 Luật Quảng cáo 2012.

Về điều kiện quảng cáo, theo ông Lâm, các sản phẩm chăm sóc da được phép quảng cáo khi đáp ứng đủ 4 điều kiện trong Luật Quảng cáo 2012 như sau:

- Công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm chăm sóc da phải có đăng ký kinh doanh theo quy định.

- Phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm.

- Phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với sản phẩm nội địa.

- Phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định.

Ngoài ra, Điều 4, Điều 6 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định về điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm như sau: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của Luật Quảng cáo; Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Còn theo Luật gia Phan Xuân Chiến - Phó trưởng phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng, Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021) quy định về quảng cáo sản phẩm chăm sóc da (mỹ phẩm), trong đó điểm 3 nêu rõ: “Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Chiến cho biết, Phụ lục số 03-MP Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020) quy định một số ví dụ về các tính năng thường gặp không được chấp nhận đối với mỹ phẩm chăm sóc da.

Cụ thể, một câu giới thiệu tính năng sản phẩm không được chấp nhận là: Xóa sẹo; Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn; Chữa viêm da; Loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus…

Luật gia Phan Xuân Chiến cho hay, các cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức vi phạm trong quảng cáo mỹ phẩm chăm sóc da có thể bị xử lý vi phạm hành chính; nếu tái phạm sẽ bị xem xét xử lý hình sự trong những trường hợp nhất định.

Cùng chuyên mục