Thứ ba, 12/03/2024, 12:22 (GMT+7)

Quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh: Có thể bị phạt tù đến 5 năm

Thanh Hoa - Minh Hiếu (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Đơn vị, cá nhân quảng cáo mỹ phẩm sai sự thật, “thổi phồng” tính năng hay gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh… có thể bị phạt hành chính hoặc nếu tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng trường hợp.

Thời gian gần đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đăng tải các nội dung quảng cáo sản phẩm chăm sóc da có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng đó là thuốc chữa bệnh. Đơn cử như tại website myphamhera.com thuộc Công ty TNHH Hera Group, website myphamphuongtrang.vn của Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang hay website myphamyteangel.vn của Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý… đều có những nội dung quảng cáo sản phẩm chăm sóc da mụn với các từ ngữ “trị mụn”, “trị tận gốc”, “đặc trị”...

nh 2

Theo ông Lê Thanh Lâm - Thạc sĩ Luật, Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp cho biết, tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP có quy định rõ về việc quảng cáo sản phẩm chăm sóc da (mỹ phẩm) như sau: “Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Bên cạnh đó, Phụ lục số 03-MP Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020) cũng quy định một số ví dụ về các tính năng thường gặp không được chấp nhận đối với mỹ phẩm chăm sóc da.

Cụ thể, câu giới thiệu tính năng sản phẩm không được chấp nhận là: Ngăn chặn, làm giảm hoặc làm đảo ngược những thay đổi sinh lý và sự thoái hóa do tuổi tác; Xóa sẹo; Tác dụng tê; Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn; Chữa viêm da; Giảm kích thước cơ thể; Săn chắc cơ thể/săn chắc ngực; Giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Giảm dị ứng.

nh 1
Các tính năng của mỹ phẩm chăm sóc da mụn không được quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc điều trị

Những tính năng trên có thể được làm giảm nhẹ đi và mang tính mỹ phẩm hơn.

Cũng theo ông Lê Thanh Lâm, các hành vi vi phạm trong quảng cáo mỹ phẩm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mỗi trường hợp.

Xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm lần đầu, tính chất không nghiêm trọng

Theo Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP), các hành vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận nhưng khi quảng cáo ở địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi quảng cáo biết.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: tên mỹ phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng không phù hợp với công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm;

b) Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn;

c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Đồng thời, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm cần phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Như vậy, các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc của một số doanh nghiệp, thương hiệu nêu trên có thể chịu mức phạt lên đến 30 - 40 triệu đồng.

anh 3
Quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc có thể chịu mức phạt lên đến 30 - 40 triệu đồng

Xử lý hình sự đối với trường hợp vi phạm nhiều lần, tính chất nghiêm trọng

Luật gia Phan Xuân Chiến - Phó Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng cho hay: “Đối với các hành vi có tính chất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm sẽ bị xem xét xử lý hình sự tội Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Từ khóa:
Cùng chuyên mục