Thứ ba, 12/03/2024, 05:20 (GMT+7)

Nhiều đơn vị từng bị xử phạt vì quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm như thuốc trị bệnh

Minh Hiếu - Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Chỉ trong tháng 01/2024, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 18 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế, đồng thời xử phạt các hành vi vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng.

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công khai trên trang web của Cục để cảnh báo đến người tiêu dùng về tình trạng nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo.

Trong đó, nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm là thuốc điều trị, chữa bệnh. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang.

nh 2
Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế TAPHACO từng bị xử phạt 75 triệu đồng vì quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Mới nhất, trong tháng 1/2024, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 18 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế, đồng thời xử phạt các hành vi vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP C13 Beauty (số 17 đường B4, phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức) bị xử phạt 70 triệu đồng hành vi quảng cáo, tiếp thị bán thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị.

Trong năm 2023, nhiều cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, TPCN, TP BVSK cũng đã bị xử phạt về hành vi quảng cáo sai sự thật. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là quảng cáo, “thổi phồng” công dụng các sản phẩm mỹ phẩm, TPCN, TP BVSK có công dụng như thuốc trị bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, ngày 21/4/2023, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC xử phạt Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế TAPHACO với số tiền 75.000.000 đồng đối với 2 hành vi: quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Tháng 8/2023, UBND TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kingsam An Phát 50 triệu đồng về hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Còn trong năm 2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt vi phạm 23 cơ sở vi phạm quảng cáo với tổng tiền phạt 1,26 tỷ đồng.

nh 1
Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Đáng chú ý nhất, Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng, không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Ngoài ra, tháng 4/2022, Cục An toàn thực phẩm xác định Công ty CP Thiên Dược Sơn đã có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Với hành vi trên, Công ty CP Thiên Dược Sơn bị xử phạt 50 triệu đồng.

Tháng 11/2021, Cục An toàn thực phẩm cũng công bố thông tin xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Busno Việt Nam và Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường về hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

nh 3
Dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo trên website myphamyteangel.vn của Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý.

Cụ thể, tại quyết định số 28/QĐ-XPVPHC, Cục An toàn thực phẩm xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Busno Việt Nam với hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sangu trên website: https://sangu.com.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, số tiền phải nộp là 50 triệu đồng.

Theo quyết định số 31/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường (số 204/4 Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã có hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nữ Xuân XM, Bổ phế XM, Dạ dày XM, Xương khớp XM, Nhất Nam Dương trên website: https://dongyxumuong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Số tiền công ty bị xử phạt lỗi trên là 50 triệu đồng.

Như vậy, việc nhiều website đăng tải các nội dung quảng cáo sản phẩm chăm sóc da mụn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo như đã nêu có thể sẽ bị xử phạt theo quy định. Cụ thể, website myphamyteangel.vn của Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý; website myphamhera.com của Công ty TNHH Hera Group; website myphamphuongtrang.vn của công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang có sử dụng các từ ngữ như “trị”, “đặc trị”, “điều trị” trong quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm, dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và có dấu hiệu vi phạm quy định trong Luật Quảng cáo.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục