Nấu cơm từ sáng mang đi ăn trưa có tốt không?
Nấu cơm mang đi ăn trưa tại cơ quan đã trở thành thói quen của nhiều người dân, đặc biệt kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay.
Hiện nay, nhiều người có thói quen dậy sớm nấu cơm từ sáng để mang đi ăn trưa. Thói quen này vừa giúp tiết kiệm một khoản tiền lại đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều chị em còn sắm cả những hộp cơm có thể cắm điện, gần giờ ăn sử dụng để có thể ăn cơm nóng hổi.
Về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng cho hay, bữa trưa có vai trò quan trọng, đóng góp tới 40-50% năng lượng nạp vào cơ thể/ngày. Bởi vậy, không nên coi bữa trưa là bữa tạm, ăn qua loa mà nên ăn đầy đủ dinh dưỡng. Các dụng cụ đựng thực phẩm hiện nay rất hữu dụng, đa dạng và đảm bảo. Khi mang cơm đi làm, mọi người cũng cần chú ý một số vấn đề sau:
Không ăn lại thức ăn qua đêm
Để tiện lợi, không phải dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn, một số người nấu sẵn cơm và đồ ăn từ tối hôm trước rồi để trong tủ lạnh, sáng hôm sau đóng hộp rồi mang đi làm. Thói quen này khá tiện nhưng không tốt cho sức khỏe. Thức ăn để qua đêm sẽ bị giảm chất lượng, dinh dưỡng cũng sẽ bị hao hụt. Thậm chí còn gây rối loạn tiêu hóa vì có thể bị vi khuẩn xâm nhập.
Nếu có ý định mang cơm đi làm, hãy cố gắng dậy sớm một chút để nấu cơm. Nguyên liệu có thể sơ chế từ hôm trước để tiết kiệm thời gian.
Không sử dụng hộp nhựa kém chất lượng để đựng thức ăn
Để tiết kiệm, một số người thường tận dụng hộp nhựa ăn liền ở các quán ăn đã mua trước đó đựng thức ăn đi làm hoặc sử dụng những hộp nhựa kém chất lượng. Đựng thức ăn nóng trong những hộp này sẽ gây ra sự nóng chảy và phát sinh chất độc ngấm vào thức ăn. Ngoài ra, những loại hộp nhựa kém chất lượng không chịu được nhiệt độ trong lò vi sóng nên khi bạn hâm thức ăn chất nhựa chảy ra gây hại cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, viêm màng não, nhiễm độc cấp tính... Thay vì sử dụng hộp nhựa, bạn nên sử dụng hộp thủy tinh, hộp sứ hoặc inox đựng thức ăn sẽ an toàn hơn.
Đảm bảo 4 nhóm chất
Thành phần dinh dưỡng của bữa trưa cần đảm bảo đủ các nhóm chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Do thời gian bảo quản các loại rau lá quá lâu sẽ làm hao hụt nhiều dinh dưỡng nên các bác sĩ khuyến khích dân văn phòng nên lựa chọn rau củ khi mang cơm đi làm như su hào, cà rốt, su su, củ cải... Trường hợp thích ăn các loại rau lá, tốt nhất nên chế biến theo cách luộc hơn là xào hoặc nấu canh.
Những thức ăn nhiều nước và dầu mỡ như canh hầm chân giò, canh củ hầm xương rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng bạn chỉ nên dùng những món ăn này ở nhà. Bởi vì thức ăn nhiều nước và có váng dầu mỡ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt là khi món ăn nấu xong được đóng hộp từ sáng đến trưa và bị tác động xóc nảy trên đường bạn di chuyển đến công ty thì vi khuẩn càng sinh sôi nhiều hơn.
Không cho thức ăn vào hộp khi còn quá nóng
Thức ăn vừa nấu xong rất nóng nên sẽ sinh nhiệt, khiến các món dễ bị nát trong quá trình bảo quản. Hơi nóng cũng sinh ra hiện tượng hấp hơi. Đây là nguyên nhân khiến cho đồ ăn nhanh bị hỏng, có mùi chua, thiu sau đó.
Không để chung cơm và thức ăn vào một hộp
Để tránh cồng kềnh và tiết kiệm hộp đựng, nhiều người có thói quen để chung cơm và thức ăn vào một hộp đựng. Song, mỗi món ăn có một thời điểm chế biến và thời điểm hỏng, mốc, lên men khác nhau. Do đó, nếu để chung, nguy cơ lây nhiễm khuẩn sẽ tăng cao, nhất là khi để đồ xào nấu có nước xốt chung với cơm trắng. Hãy lựa chọn loại hộp cơm có nhiều ngăn hoặc dùng giấy bạc siêu thị để gói riêng từng loại thực phẩm.
Chỉ nên làm ấm thức ăn
Một số cơ quan có trang bị lò vi sóng nên các chị em có thể hâm nóng cơm trưa dễ dàng. Tuy nhiên, khi hâm nóng đồ ăn, bạn nên canh thời gian và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Tuyệt đối không quay hộp nhựa không đảm bảo, để nguyên màng bọc khi quay lò vi sóng…