Chủ nhật, 15/10/2023, 08:35 (GMT+7)

Đeo kính áp tròng sai cách có thể dẫn đến mù mắt

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Sau một năm đeo kính áp tròng, anh Minh (quê Thái Bình) thấy mắt nổi cộm, nhìn mờ dần rồi mất thị lực hẳn, khi khám được bác sĩ chẩn đoán bị mù do viêm loét giác mạc.

Đeo kính áp tròng nhưng không giữ vệ sinh

Anh Minh bị cận từ năm lên 6 tuổi và bắt đầu sử dụng kính áp tròng ban ngày khi đi làm với độ cận -4 diop. Từ đó, anh thích đeo kính áp tròng nhưng chỉ sử dụng thường xuyên trong vòng một năm trở lại đây.

z4728488063425_25ed2bf2d0b206e5d4a3f40893635379

Anh Minh cho biết, trước đây, công việc của anh chủ yếu là ở văn phòng nên việc tháo, rửa kính thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, từ khi được điều chuyển vị trí công tác phải đi công trình nhiều hơn và đeo kính áp tròng thường xuyên hơn.

Có những lần đang lắp kính áp tròng vào mắt, tay còn chưa kịp vệ sinh, kính rơi xuống đất, anh nhặt lên lắp lại vì không mang dự phòng kính gọng. Thậm chí, có những ngày anh đeo kính áp tròng 24/24h vì đi công trình về muộn, mệt quá ngủ luôn không kịp tháo kính để vệ sinh mắt.

z4728765089297_97dbfa8713de605c82c47e1b4ac173d4

Sau hơn một năm như vậy, anh Minh thấy mắt xuất hiện vết xước. Thoạt đầu chỉ nghĩ do kính của mình bị trầy nên anh cũng hạn chế sử dụng áp tròng để chuyển sang kính gọng.“Cứ nghĩ mắt nhìn mờ là do tăng độ nên tôi chủ quan không đi khám, mãi cho đến khi mắt nổi cộm, đỏ, nhìn mờ rồi mất dần thị lực tôi mới đến bệnh viện khám. Sau thăm khám bác sĩ kết luận mắt bị viêm loét giác mạc dẫn đến mất thị lực” - anh Minh chia sẻ.

Trước mắt, anh cần điều trị để không ảnh hưởng đến cấu trúc mắt, còn muốn lấy lại được ánh sáng thì cần phải phẫu thuật ghép giác mạc. Anh Minh ngậm ngùi: “Chỉ vì tôi quá chủ quan, thấy kính áp tròng sử dụng đơn giản mà chưa bao giờ nghĩ nó nguy hiểm thế này!”.

Kính áp tròng ban ngày tuyệt đối không được đeo qua đêm

Ths. Bs Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho biết, đeo kính áp tròng có rất nhiều lợi ích, về cơ bản là tốt nếu đeo đúng chỉ định, đúng phương pháp và vệ sinh sạch sẽ.

bác sĩ Nga
Ths. Bs Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý mua kính áp tròng trôi nổi bên ngoài, khi đeo kính áp tròng phải thực hiện đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

Tuy nhiên, do bệnh nhân đeo không đúng chỉ định, ví dụ như trên bề mặt nhãn cầu đang viêm nhiễm, đeo kính qua đêm, hoặc kính dùng một lần nhưng dùng nhiều lần, không ngâm rửa kính bằng nước chuyên dụng… dễ dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng bởi kính áp tròng sẽ tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt giác mạc, làm tổn thương lớp biểu mô bao phủ bên ngoài.

Khi mắt mất hàng rào bảo vệ, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm. Dù có được điều trị khỏi thì tổn thương vẫn để lại sẹo, nặng thì gây mù loà. Nếu bệnh nhân không kiểm soát được bằng thuốc, không có điều kiện để ghép giác mạc, trường hợp nặng nhất là phải bỏ mắt.

z4728488639819_b0465649d6ec4851616b570a6732e2f1

Trường hợp của bệnh nhân Minh làm việc ngoài công trường xây dựng nhiều bụi bẩn. Khi đeo kính tiếp xúc, nước mắt không thể thực hiện cơ chế rửa trôi nên vi khuẩn dễ xâm nhập. Bên cạnh đó, thói quen thường xuyên đeo kính qua đêm làm tăng nguy cơ tổn thương trên biểu mô giác mạc. Ngay sau khi thấy vết xước, bệnh nhân không đi khám ngay nên lâu dần mới dẫn tới tình trạng mất thị lực.

Bác sĩ Thanh Nga còn khuyến cáo, hiện nay, rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý mua kính áp tròng trôi nổi bên ngoài, không đeo kính theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ hoặc nhà sản xuất, đặc biệt là các loại kính áp tròng đổi màu giúp đồng tử giãn to hơn, đẹp hơn.

Nếu công việc đặc thù cần sử dụng, còn tốt nhất mọi người không nên quá lạm dụng kính áp tròng mềm; không nên sử dụng kính trên 12 tiếng mỗi ngày, không đeo kính khi đi ngủ hoặc đi tắm; sử dụng nước chuyên dụng để làm sạch kính; không sử dụng chung kính với người khác; không nên tái sử dụng kính áp tròng nhiều lần.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Cùng chuyên mục