Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 19/09/2024, 12:16 (GMT+7)

Hoạt động quảng cáo trong xu hướng dịch chuyển mới, làm gì để vừa 'quản' vừa 'thúc'?

Hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Trong bối cảnh mới, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để vừa tạo được dư địa phát triển cho hoạt động quảng cáo, vừa đưa hoạt động này vào đúng khuôn khổ quản lý?

Khó quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng

Theo Bộ VHTTDL, hoạt động quảng cáo hiện nay đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, báo nói, báo hình...) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động...). Xu hướng dịch chuyển này đã làm nảy sinh những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này.

Bởi, Luật Quảng cáo năm 2012 chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về nội dung quảng cáo.

Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẵn sàng vì lợi ích cá nhân, quảng cáo "thổi phồng" công dụng để dẫn dụ người tiêu dùng. Đáng nói, do quy trình xử lý vi phạm còn nhiều vướng mắc, nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên nhiều cá nhân vẫn "hồn nhiên" quảng cáo sai sự thật dù trước đó đã bị lên án, chỉ trích, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý
Quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý

Siết chặt quản lý với người chuyển tải sản phẩm 

Cũng theo Bộ VHTTDL, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo) đã bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhằm khắc phục tình trạng nói trên.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu. Như vậy, nghệ sĩ, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sẽ không thể tiếp tục “hồn nhiên”, thiếu trách nhiệm khi đưa đến công chúng, người tiêu dùng những thông tin về sản phẩm mà thiếu sự kiểm chứng, kiểm nghiệm chất lượng.

11726648052.png
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo của người chuyển tải, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và sự phát triển các công nghệ, kỹ thuật quảng cáo hiện đại, bên cạnh các hình thức quảng cáo trực tiếp/offline truyền thống, các hình thức quảng cáo online, livestream bán hàng trên các mạng xã hội ngày càng phát triển đa dạng. Vì vậy, Dự thảo cần chuẩn hóa, bổ sung các khái niệm để đảm bảo bao quát cả các hình thức quảng cáo truyền thống vừa phản ánh được sự phát triển các hình thức quảng cáo mới, qua các phương tiện điện tử, qua mạng Internet. Trong đó, cần chuẩn hóa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và “sản phẩm quảng cáo”. 

Theo vị chuyên gia này, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và cách truyền đạt sản phẩm quảng cáo có vai trò rất quan trọng trên nhiều khía cạnh như giới thiệu tính năng, tiện ích của sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng; quảng bá hình ảnh công ty, doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm đồng thời còn có vai trò quyết định/đóng góp lớn việc chốt đơn hàng, hợp đồng, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận cho tổ chức/doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo đặc biệt trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng, nghệ sỹ, người thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học công nghệ, truyền thông, người có ảnh hưởng... 

“Vì vậy, Dự thảo nên chuẩn hóa khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và sản phẩm quảng cáo theo hướng vừa giữ đặc trưng của quảng cáo truyền thống theo Luật Quảng cáo 2012, vừa bổ sung các các đối tượng chuyển tải sản phẩm, hình thức quảng cáo mới” - TS Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm. 

Về chế tài xử lý vi phạm, TS Cấn Văn Lực cho rằng Dự thảo nên nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 38/2021 về chế tài, mức phạt, mức bồi thường đối với các hành vi vi phạm sau: Vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo qua mạng; Vi phạm đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; Vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người quản lý hoạt động quảng cáo; Vi phạm tẩy xanh - greenwash (lợi dụng các tiêu chuẩn xanh làm đẹp hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp/sản phẩm nhưng thực chất các hoạt động của doanh nghiệp/quá trình sản xuất sản phẩm lại không thực sự thân thiện thậm chí tiêu cực với môi trường….). Đồng thời, tăng chế tài đối với vi phạm quy định quảng cáo hàng hóa, sản phẩm - dịch vụ đặc biệt, vì nhóm này liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Ngoài nội dung liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm, Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Cụ thể, quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo. Đối với những quảng cáo không có vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp... Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu không thực hiện xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm.

Dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp Quốc hội tháng 9 này. 

Cùng chuyên mục