Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 13/09/2024, 10:00 (GMT+7)

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam ‘hiến kế’ giúp doanh nghiệp thuận lợi thực hiện quảng cáo

Liên quan đến Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa có kiến nghị quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động quảng cáo. Kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành quảng cáo, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả hơn.

Sau 10 năm triển khai, Luật Quảng cáo 2012 đã bộc lộ một số hạn chế do không còn phù hợp với bối cảnh thực tế. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo và được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Quá trình xây dựng Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo (gọi tắt là Luật SĐBS), VHTTDL - Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý vào việc xây dựng hồ sơ Dự án Luật SĐBS mà trọng tâm là Dự thảo Luật SĐBS. 

Qua mỗi cuộc, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có những đóng góp để chỉnh sửa Dự thảo nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, thúc đẩy ngành quảng cáo Việt Nam phát triển, hội nhập với ngành quảng cáo thế giới, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Quy định chưa thông thoát

Góp ý về Dự thảo SĐBS, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, dự thảo đã đề xuất sửa đổi bổ sung nhiều điểm mới, sát với tình hình, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. 

Cụ thể, Điều 30 Luật Quảng cáo, tại khoản 2 quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

Nếu hiểu chính xác thì cơ quan quản lý không cần có văn bản chấp thuận, trừ khi không đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp nếu trong 5 ngày làm việc không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý thì doanh nghiệp được phép thực hiện quảng cáo. Tuy nhiên, quy định này thực tế lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Nói thêm về điều này, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho hay, trên thực tế, thủ tục tiếp nhận hồ sơ vẫn khó khăn, nặng tính xin - cho. Việc này, xét cho kỹ, cả hai phía từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý đều đang có nhận thức và thực hiện chưa chuẩn xác về quy định của khoản 2, Điều 30 Luật Quảng cáo. Lâu nay các cơ quan quản lý ở tất cả các địa phương đều coi việc cấp Giấy chấp thuận quảng cáo cho doanh nghiệp là việc đương nhiên, còn các doanh nghiệp cứ phải thấp thỏm chờ đợi hoặc chạy vạy để có được Giấy chấp thuận của cơ quan quản lý tại địa phương rồi mới dám thực hiện quảng cáo.

Điều đáng nói ở đây là thời hạn cho quảng cáo trong Giấy chấp thuận của các địa phương không theo một quy định nào, nơi cho 3 tháng, 6 tháng, dài nhất cũng chỉ 1 năm dù nội dung, hình thức quảng cáo không thay đổi. Thậm chí có địa phương dừng tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo tới vài ba năm nhưng không có lý do, làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất, thời gian cũng như tổn thấy cho các doanh nghiệp. 

Trước thực trạng đó, Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo cần có sự điều chỉnh để phù hợp với hoạt động quản lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất các ý kiến đề xuất, Dự thảo SĐBS lần này đã có nhiều điểm cải tiến về phương thức quản lý theo hướng phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý. Qua đó, các quy định này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân lực và tiền bạc cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung cho phép các loại hình quảng cáo trên mạng; quảng cáo xuyên biên giới; quảng cáo trên phương tiện báo chí, trên phương tiện giao thông, loa phóng thanh, hội nghị, hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo đến quảng cáo màn hình LED ngoài trời khi có sự thay đổi mẫu quảng cáo từng giây đều không phải gửi thông báo sản phẩm quảng cáo cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện. 

Trong khi đó, hình thức quảng cáo dễ kiểm soát nhất như các bảng quảng cáo bằng pano cố định với những sản phẩm quảng cáo tĩnh, tồn tại hàng tháng, khó qua khỏi con mắt giám sát của công chúng lại phải gửi Thông báo sản phẩm cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện quảng cáo. “Điều này cho thấy sự thiếu công bằng giữa các loại hình quảng cáo trong cùng một văn bản pháp luật” - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh. 

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quảng cáo

Quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về việc "Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế xin - cho" tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024, Hiệp hội xin đề xuất sửa đổi bổ sung Điều 30 theo phương án sau: 

Phương án 1: Bãi bỏ thủ tục phải thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn. Cơ quan quản lý tăng cường công tác hậu kiểm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm như các phương tiện quảng cáo khác để đảm bảo tính bình đẳng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, phương án này thời gian đầu chắc chắn sẽ khó khăn cho cơ quan quản lý nhưng xét toàn diện thì đây là một phương án đột phá mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, là cơ hội để các cơ quan quản lý đổi mới, cải tiến nâng cao năng lực quản lý và đặc biệt là loại bỏ được cơ chế xin - cho là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Quảng cáo là
Quảng cáo là "ngành công nghiệp trắng" khi mang lại đóng góp khổng lồ cho nền kinh tế, vì vậy cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển

Phương án 2: Nếu có cơ sở thuyết phục cho việc tiếp tục duy trì hình thức thông báo sản phẩm quảng cáo thì sửa đổi bổ sung theo hướng đơn giản hóa, số hóa việc nộp hồ sơ Thông báo sản phẩm. Theo đó, nội dung, thời gian, thời hạn và địa điểm quảng cáo do doanh nghiệp đề xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp. Sau 05 ngày nộp hồ sơ, nếu doanh nghiệp không nhận được văn bản từ chối cấp phép của cơ quan quản lý thì tự động thực hiện nội dung trong thông báo.

Tương ứng, cơ quan quan quản lý chỉ tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của doanh nghiệp chủ yếu qua cổng dịch vụ công. Trong đó, mã xác nhận Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Cơ quan quản lý không cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp, trừ khi phát hiện có vấn đề vi phạm quy định thì ra văn bản trả lời không đồng ý.

"Thực hiện được điều này vừa đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp, vừa giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý mà vẫn có thông tin để quản lý" - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh. 

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 2, Điều 10 Luật Quảng cáo như sau: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, nếu cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo không có văn bản trả lời không đồng ý và nêu đầy đủ lý do một lần để người làm quảng cáo sửa đổi, bổ sung nộp lại thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo và chịu trách nhiệm về nội dung như đã thông báo.”

Liên quan đến đề xuất nói trên, ông Triệu Thế Hùng, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Theo đó, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất; đồng thời bày tỏ mong muốn, các hội viên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tiếp tục có những góp ý thiết thực đối với dự án Luật này trong thời gian tới, nhằm một mục tiêu tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp Quốc hội tháng 9 này. 

Cùng chuyên mục