Luật Quảng cáo (sửa đổi) cần tăng cường vai trò của hiệp hội nghề nghiệp
Theo các chuyên gia, Luật Quảng cáo (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng tăng cường vai trò của các tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo, qua đó giúp giảm tải gánh trong việc quản lý hoạt động quảng cáo cho cơ quan nhà nước.
Tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo
Để tăng cường quản lý đối với hoạt động quảng cáo, Luật Quảng cáo 2012 đã quy định về hoạt động thẩm định sản phẩm quảng cáo. Điều 9 Luật Quảng cáo quy định, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Tuy nhiên với số lượng sản phẩm quảng cáo ngày càng lớn, đi theo đó là nhu cầu được thẩm định của các tổ chức, doanh nghiệp cũng tăng cao. Trong khi đó, nhân lực Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại rất mỏng, khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Điều này đã tạo nên một "khoảng trống nhu cầu" thẩm định của doanh nghiệp.
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây thực ra không chỉ là vấn đề riêng của ngành quảng cáo mà cũng diễn ra ở một số ngành văn hóa khác, chẳng hạn như lĩnh vực điện ảnh. Giải quyết vấn đề này, Luật Điện ảnh đã đưa ra giải pháp xử lý theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định (Điều 21). Quy định này, một mặt, vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan nhà nước (đặc biệt trước số lượng khổng lồ phim được phân phối trên nền tảng internet), vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng, Luật sửa đổi cần nghiên cứu đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm theo hướng phân cấp cho Hiệp hội. Cụ thể, các sản phẩm quảng cáo sẽ giao cho Hiệp hội Quảng cáo hoặc các Hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định. Theo đó, Hội đồng thẩm định của hiệp hội phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp các sản sản phẩm quảng cáo đạt yêu cầu về thẩm định sẽ được Hội đồng thẩm định cấp phép quảng cáo và kết quả thẩm định của Hiệp hội sẽ có giá trị sử dụng toàn quốc.
Bên cạnh đó, các chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp cho rằng sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo. Trường hợp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo. Kết luận thẩm định của Bộ là kết luận cuối cùng và có giá trị sử dụng trên toàn quốc.
Kiến nghị xử lý các vi phạm về quảng cáo
Liên quan đến Điều 10 của Luật Quảng cáo, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung khoản g, Điều 10 "Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng" thành "Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền phổ biến pháp luật về quảng cáo; phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về luật quảng cáo".
Đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 với nội dung giao cho Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo "Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo" thành "Xây dựng, phê duyệt, tổ chức, thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo". Điều này thể hiện việc quan tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo Nghị định 45/NĐ-CP về tổ chức hội thì các hội nghề nghiệp có thể được phép lập từ cấp địa phương, xã, quận, huyện, tỉnh, thành đến trung ương. Riêng ngành truyền thông quảng cáo hiện nay cũng có khoảng trên 100 hội lớn nhỏ từ trung ương đến quận huyện. Điều này đặt ra câu hỏi, vậy tất cả các cấp hội này có quyền như quy định tại điểm b Điều 10 không? Cấp hội nào được thực hiện? Cơ quan thẩm quyền nào ra nhiệm vụ?
Ngoài ra, hiệu lực của bộ quy tắc ứng xử, của tiêu chuẩn quảng cáo thế nào? Chưa kể đến cơ sở quảng cáo cũng là một trong những loại tiêu chuẩn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Dự thảo quy định rõ hơn về những vấn đề này.
Tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo", ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao ý kiến nói trên. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội tổng hợp trung thực, khách quan, khoa học các thông tin để xây dựng báo cáo phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 36 tới đây.
- Luật Quảng cáo (sửa đổi): Kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa
- Đề xuất giảm thời lượng quảng cáo trên mỗi chương trình truyền hình
- KOL, KOC sắp hết thời tung hoành ngang dọc trên các quảng cáo kiếm tiền tỷ
- Giá xăng giảm mạnh, RON 95 mất mốc 22.000 đồng/lít
- Mua hàng hóa không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp: Xử lý thế nào?
- Thẩm mỹ viện Slina bị Sở Y tế TP HCM tuýt còi vì quảng cáo 'chui'
- Xử phạt 9 cơ sở kinh doanh xe điện vi phạm về nhãn hàng hóa
- 6 sai lầm trong chăm sóc da khiến mụn ‘mọc như nấm’
- Từ nay đến Tết Nguyên đán: 3 con giáp có thể may mắn đón chương mới, phú quý chói lọi, làm gì cũng dễ giàu