Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 13/08/2024, 14:04 (GMT+7)

Đề xuất giảm thời lượng quảng cáo trên mỗi chương trình truyền hình

Trên sóng truyền hình, ngày càng có nhiều chương trình được lồng ghép các nội dung quảng cáo dày đặc, lộ liễu gây ức chế cho người xem. Để tạo cảm giác thoải mái khi xem các chương trình giải trí, chuyên gia đề xuất giảm thời lượng quảng cáo trên mỗi chương trình truyền hình.

Thực tế, để một chương trình truyền hình hoạt động được thì buộc phải có nhà tài trợ và quảng cáo là một cách để các nhà sản xuất trả quyền lợi. Do đó, họ bắt buộc phải chấp nhận việc nhãn hàng đưa ra nhiều yêu cầu để đổi quyền lợi nhưng người chịu trận chính là khán giả.

Khán giả phải xem đi xem lại các hình ảnh của nhãn hàng tài trợ trong suốt chương trình, lại phải tiếp tục xem trong mỗi phần quảng cáo. Không ít người phải than ngắn thở dài khi xem đến nửa chương trình vẫn không biết mình đang xem chương trình giải trí hay xem quảng cáo sản phẩm của nhà tài trợ theo nhiều cách giới thiệu khác nhau. Điều này đã khiến nhiều người có tâm lý ức chế khi xem các chương trình giải trí. 

Các quảng cáo được chèn vô tội vạ trên sóng truyền hình gây ức chế cho người xem. (ảnh minh)
Quảng cáo được chèn nhiều trên sóng truyền hình gây khó chịu cho người xem.

Dưới góc độ chuyên gia, một số ý kiến cho rằng, các nhà đài cần phải tính toán một cách khoa học và hợp lý về quyền lợi của nhà tài trợ cũng như tính giải trí của chương trình. Khi lồng ghép quảng cáo phải khéo léo, tinh tế chứ không nhất thiết phải ngập tràn, lồ lộ như đập vào mắt người xem. Ngoài trách nhiệm từ phía nhà sản xuất, các chuyên gia cho rằng hoạt động này cần được siết chặt bởi pháp luật về Quảng cáo.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính cho biết, báo nói, báo hình là kênh quảng cáo chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng doanh thu quảng cáo Việt Nam (36-40%). Hiện Dự thảo đang sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình.

Cụ thể, khoản 4 Điều 22 Luật Quảng cáo 2012 quy định "mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút" đã được sửa thành "mỗi chương trình phim truyện có thời lượng 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, mỗi lần ngắt để quảng cáo không quá 5 phút”.

Như vậy, thời lượng quảng cáo là đã chiếm 1/3 tổng thời gian chiếu phim. Đáng chú ý là tình trạng các đài truyền hình điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim trong khi vẫn áp dụng quy định ngắt để quảng cáo theo đúng quy định của pháp luật nhưng gây ức chế cho người xem truyền hình. Theo đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất ban soạn thảo nên cân nhắc điều chỉnh thành “mỗi chương trình phim truyện được ngắt để quảng cáo 2 lần, mỗi lần không quá 3 phút”.

11722917218.png
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia phát biểu tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo".

Lý giải thêm về điều này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, công nghệ hiện đại ngày nay cho phép giảm thời gian quảng cáo xuống còn khoảng 30 - 40 giây/quảng cáo. Với 3 phút, các nhà sản xuất có thể dụng được tối đa 6 quảng cáo. Như vậy, nhà đài vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu của truyền hình, vừa đảm bảo phù hợp về thời lượng quảng cáo, tránh ngắt quãng nội dung (đặc biệt đối với phim truyện trong khung giờ vàng), ảnh hưởng đến khả năng thu hút khán giả truyền hình…v.v.

Phản hồi đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo", ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao ý kiến nói trên. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội tổng hợp trung thực, khách quan, khoa học các thông tin để xây dựng báo cáo phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 36 tới đây.

Cùng chuyên mục