Quảng cáo ảo – hàng thật dở: Hệ lụy đến niềm tin tiêu dùng
Quảng cáo ảo – chiêu trò đánh tráo kỳ vọng bằng hình ảnh hào nhoáng, trong khi thực tế sản phẩm thường kém chất lượng, sai lệch, gây thất vọng với người tiêu dùng.
Tạp chí và quảng cáo thương hiệu: Cặp đôi bền vững trong kỷ nguyên số
'Mua 1 tặng 0': Cảnh báo chiêu trò khuyến mãi giả đánh lừa người tiêu dùng
Hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng bị những lời “dẫn dụ” đầy sự hào nhoáng, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhận được lại khác xa sự kỳ vọng sau khi “chốt đơn” không ít lần gây thất vọng: màu sắc khác xa ảnh mẫu, chất lượng kém, thông tin sai lệch, thậm chí là hàng nhái.
Kỳ vọng bị đánh tráo
Quảng cáo ảo là hình thức trình bày thông tin, hình ảnh sản phẩm theo hướng thổi phồng giá trị hoặc cố tình làm sai lệch thực tế để đánh vào thị giác và cảm xúc người mua. Dưới dạng video cắt dựng, hình ảnh chỉnh sửa quá đà, mô tả “có cánh”, quảng cáo ảo tạo ra kỳ vọng vượt xa chất lượng thật của sản phẩm.
Chỉ cần gõ một từ khóa phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, người dùng sẽ bắt gặp hàng loạt sản phẩm “đáng kinh ngạc”: son môi “lì cam kết không trôi”, nồi chiên “siêu tiết kiệm điện”, mỹ phẩm “ thay đổi làn da sau 7 ngày”… Nhưng khi mở hộp, sự khác biệt giữa quảng cáo ảo và hàng thật khiến người tiêu dùng nhận về không khỏi thất vọng.
Không chỉ là sai lệch hình ảnh, nhiều quảng cáo ảo còn ẩn chứa thông tin không rõ ràng: như: “hàng chuẩn hãng”, “cam kết hoàn tiền”, “được kiểm định chất lượng”… nhưng khi có sự cố, khách hàng gần như không thể liên hệ hoặc hỗ trợ nửa vời.
Tác động đến niềm tin và hành vi tiêu dùng
Điều đáng lo ngại là hệ lụy của quảng cáo ảo không chỉ dừng lại ở một đơn hàng kém chất lượng. Nó từng bước làm mất đi niềm tin ở người tiêu dùng với kênh mua sắm trực tuyến – một mô hình vốn đang phát triển mạnh sau đại dịch và sự dịch chuyển của hành vi tiêu dùng.
Nhiều khách hàng chia sẻ rằng họ mất hứng thú mua hàng online sau vài lần “gặp cú lừa” vì tin vào quảng cáo ảo. Một số khác trở nên thận trọng quá mức, chỉ chọn mua ở một vài thương hiệu lớn, vô tình làm giảm sức cạnh tranh của các nhà bán nhỏ nhưng uy tín.
Về lâu dài, tình trạng này có thể khiến thị trường bị “nhiễu loạn thông tin”, nơi hàng dở dễ được đẩy lên top nhờ chiêu trò hình ảnh, còn hàng tốt lại bị lu mờ vì không chạy quảng cáo mạnh hoặc không đủ ngân sách để “đánh bóng”.
Lỗ hổng từ quản lý nội dung và đánh giá
Một trong những nguyên nhân khiến quảng cáo ảo tồn tại và phát triển mạnh là do các nền tảng thương mại điện tử chưa kiểm soát chặt chẽ phần nội dung trình bày sản phẩm. Nhiều gian hàng tự thiết kế ảnh, video, chèn hiệu ứng lừa thị giác, nhưng không bị kiểm duyệt chặt chẽ hoặc xử lý chưa thỏa đáng khi có phản hồi về sự sai lệch.
Thêm vào đó, hệ thống đánh giá người dùng – vốn là “la bàn” quan trọng giúp người mua định hướng nhưng cũng đang bị thao túng. Việc mua đánh giá ảo, tự tạo tài khoản ảo để tung hô sản phẩm khiến quảng cáo ngày càng khó phân biệt.
Giải pháp để ngăn chặn quảng cáo ảo
Để hạn chế tình trạng quảng cáo ảo, cần sự phối hợp từ ba phía: nền tảng thương mại, nhà bán và người tiêu dùng.
- Với nền tảng, cần thiết lập cơ chế kiểm duyệt nội dung hình ảnh, video và mô tả sản phẩm, đồng thời xử lý nghiêm gian hàng vi phạm nhiều lần. Cơ chế báo cáo sai phạm cũng cần được cải thiện, đảm bảo tiếp nhận và phản hồi kịp thời.
- Với người bán, người xây dựng uy tín lâu dài quan trọng hơn lợi nhuận ngắn hạn từ việc quảng cáo sai lệch. Minh bạch thông tin, sử dụng hình ảnh thật và nhất quán giữa quảng cáo và sản phẩm sẽ giúp giữ chân được người mua trong dài hạn.
- Với người tiêu dùng, nên trang bị cho mình tư duy cảnh giác: không nên hoàn toàn vào hình ảnh bắt mắt, nên tham khảo kỹ đánh giá từ người mua thật, kiểm tra chính sách đổi trả và không ngại khiếu nại nếu sản phẩm không đúng như cam kết.
Quảng cáo ảo là một phần của bức tranh thị trường số - nơi hình ảnh đôi khi quan trọng hơn thực chất. Nhưng hình ảnh bị lạm dụng và đánh tráo giá trị, hậu quả không chỉ nằm ở vài trăm nghìn đồng mất đi, mà nằm ở lòng tin tiêu dùng. Muốn thương mại điện tử phát triển bền vững, việc dọn sạch “bóng ảo” để trả lại chỗ đứng cho hàng thật là điều không thể chậm trễ. Khi chất lượng thật lên tiếng thay vì chỉ quảng cáo, đó mới là môi trường công bằng cho cả người mua lẫn người bán.