Hấp chín những trái cây này sẽ mang lại dinh dưỡng cao hơn cách ăn thông thường
Ăn nhiều trái cây rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu bạn biết cách kết hợp thì hấp chín trái cây còn mang lại giá trị dinh dưỡng gấp nhiều lần mà còn có công dụng hỗ trợ trị một số bệnh.
Lê hấp
Quả lê còn có tên gọi là khoái quả, ngọc nhũ, mật văn... Theo y học cổ truyền, lê có tính mát, vị ngọt thanh, có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc. Quả lê tươi có nhiều tính lạnh nên nếu săn nhiều dễ gây tổn thương lá lách và dạ dày. Còn khi hấp chín, quả lê sẽ phát huy tác dụng tối đa cho việc điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho khan; viêm họng; ho ra máu; táo bón…
Lê hấp đường phèn là món ăn thông dụng được nhiều người thực hiện đer giảm ho, tiêu đờm... Bạn chỉ cần cắt ngang phần núm lê, khoét bỏ lõi hột, cho mật ong hoặc đường phèn vào rồi chưng cách thủy chín, ăn cái uống nước. Ngoài cách hấp lê, bạn có thể lấy lê để nấu canh, nấu chè và kết hợp cùng những nguyên liệu khác như táo đỏ, hạt sen, long nhãn, gừng… để tăng hiệu quả nhiều hơn.
Táo hấp
Táo là loại trái cây quen thuộc và tốt cho sức khỏe, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Pectin trong táo giúp làm dịu chứng táo bón. Đặc biệt, khi được nấu chín, pectin còn có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn, điều trị tiêu chảy và thải độc rất tốt. Hấp chín táo cũng giúp tăng lượng polyphenol trong táo, chống oxy hóa mạnh hơn; giúp bảo vệ mạch máu; hạ huyết áp; kiểm soát lượng đường; kháng viêm; sát trùng.
Để làm món táo hấp, bạn chỉ cần rửa sạch, cắt thành miếng tùy thích, không bỏ vỏ táo chỉ bỏ phần lõi chứa hạt táo có một hàm lượng độc tố nhẹ. Sau đó, cho táo vào bát cùng chút đường phèn và hấp cách thủy khoảng 5 phút, bạn sẽ có ngay món táo hấp thơm ngọt, mềm xốp rất ngon.
Cam hấp
Cam rất giàu vitamin C, giúp điều trị các bệnh về phổi và bồi bổ khí huyết. Cam hấp chín càng có lợi trong việc làm lành các tổn thương phế phủ, điều trị chứng ho do khô phổi gây ra.
Để làm cam hấp, bạn chỉ cần rửa sạch cam, cắt phần đầu quả, tạo thành hình miệng chén, để lộ ra phần thịt quả bên trong, rắc chút muối lên phần cùi và chọc vài lỗ lên quả cam rồi đậy "nắp cam" lại và đem hấp trong khoảng 10 phút là được.
Bưởi hấp
Ăn bưởi giúp bồi bổ dạ dày, bổ phổi, bổ huyết, giúp vết thương nhanh lành, dùng tốt cho các trường hợp nhiễm trùng huyết. Bên cạnh đó, quả bưởi còn chứa hoạt chất sinh học corticoside có tác dụng giảm độ nhớt của máu, giảm sự hình thành các cục máu đông, ngăn ngừa những bệnh về mạch máu như tai biến, tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường bởi bưởi chứa những thành phần tương tự như insulin…
Bưởi hấp có công dụng thanh hỏa, giảm đờm, xua tan khí hư ở trong ruột. Hấp bưởi cũng đơn giản như hấp các loại trái cây đã nêu trên. Bạn chỉ cần một quả bưởi tươi, gọt vỏ, rồi cho các múi bưởi vào hấp cách thủy, nếu thích có thể ăn cùng mật ong.
Chuối hấp
Chuối mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giúp bổ sung năng lượng, thanh nhiệt, điều dưỡng đường ruột… Tuy nhiên, đây là loại quả có tính lạnh nên những người thể hàn, suy nhược chỉ nên ăn chuối đã được hấp chín để vừa đảm bảo sức khỏe đường ruột vừa giúp dưỡng khí, dưỡng trung.
Món chuối hấp có cách làm rất đơn giản. Trước tiên, bạn lột vỏ quả chuối rồi vào đĩa cùng đường phèn và hấp cách thủy tới khi đường tan là có thể lấy ra ăn. Chuối hấp là món ăn yêu thích của rất nhiều người.