Cảnh báo xuất hiện "bệnh X" do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Các chuyên gia dự đoán rằng "bệnh X" sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới mà người bệnh không có triệu chứng.
Strait Times đưa tin, các nhà nghiên cứu ở Malaysia cảnh báo rằng sự xuất hiện của "bệnh X" có thể bùng phát thành đại dịch trong tương lai do ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu. "Bệnh X" là cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới. Bệnh này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật hồi tháng 11/2022.
Các chuyên gia dự đoán rằng "bệnh X" sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới nhưng người bệnh không có triệu chứng. WHO cũng đã lập danh sách các loại virus có khả năng trở thành tác nhân gây "bệnh X" có khả năng gây thiệt hại về tính mạng cao hơn cả COVID-19.
PGS, TS. Vinod Balasubramaniam thuộc chi nhánh ở Malaysia của Đại học Monash (Australia) cho biết, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai. Do đó, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Vinod Balasubramaniam cho rằng, cần nghiên cứu vaccine trước khi bệnh có nguy cơ bùng phát. Đợt bùng phát dịch tiếp theo sẽ là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với tỷ lệ lây lan từ người sang người ở mức độ cao. Người nhiễm bệnh sẽ phát tán mầm bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói to.
Tuy nhiên, khả năng xuất hiện "bệnh X" là do lây từ động vật sang người, giống như virus HIV gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) mắc phải ở người. Theo ông Vinod Balasubramaniam, virus cúm, đặc biệt là H5N1, là một trong những virus có khả năng cao gây "bệnh X". Bên cạnh đó, ông cho rằng một chủng virus Corona mới có thể sẽ xuất hiện trong tương lai và loại virus này cũng có khả năng tự biến đổi.
Theo GS, TS. Lam Sai Kit, "bệnh X" có thể bắt nguồn từ một loại virus có khả năng tự biến đổi ở mức độ cao đối với động vật và có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao. Nhiều khả năng "bệnh X" xảy ra do nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã. Trong số các động vật hoang dã, dơi là loài mang rất nhiều virus. Các loài chim di cư và tê tê thường mang virus cúm gia cầm.
Nếu đồng ý với quan điểm rằng "bệnh X" bắt nguồn từ động vật hoang dã, ông Lam Sai Kit khuyến cáo các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát căn bệnh này, không chỉ ở người mà còn ở động vật hoang dã và cả động vật đang nuôi tại trang trại đã được thuần hóa. Ông Lam nhấn mạnh bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 là rất quan trọng khi thực thi các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan khi có nhiều bằng chứng cho thấy virus lây truyền từ động vật sang người.