Bát nháo quảng cáo, rao bán bằng giả trên mạng xã hội
Từ những quảng cáo trên "chợ mạng", khách hàng chỉ cần lựa chọn loại bằng, chứng chỉ mình có nhu cầu, cung cấp thông tin cá nhân phù hợp, địa chỉ nhận hàng, chỉ sau vài ngày bằng, chứng chỉ sẽ được gửi đến tận nhà. Tuy nhiên, luật sư khuyến cáo đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Quảng cáo, rao bán bằng giả công khai trên “chợ mạng”
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok xuất hiện nhiều hội nhóm quảng cáo dịch vụ làm bằng lái xe mô tô, ô tô, các loại bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, nghề giá rẻ...
Tại hội nhóm “Làm giấy tờ giả toàn quốc” trên nền tảng Facebook, có hơn 24 nghìn thành viên. Các đối tượng quảng cáo mời chào hấp dẫn làm mới bằng cấp, giấy tờ các loại “phôi chuẩn”, “mộc tươi” hay “chữ ký sống” (Hỗ trợ nhận ngay trong ngày)…
Cùng với đó còn có hàng trăm các hội nhóm, Fanpage, trang cá nhân khác đang công khai tiếp thị bằng cấp giả trên nền tảng này. Điều đáng nói các đối tượng còn ngang nhiên công khai số điện thoại, Zalo cá nhân để khách hàng dễ dàng liên hệ mua bán các loại giấy tờ, bằng cấp giả.
Tương tự chỉ cần thao tác đơn giản với từ khóa “làm giấy tờ, bằng cấp giả" trên công cụ tìm kiếm của internet hay các nền tảng mạng xã hội khác dễ dàng tìm thấy hàng trăm, hàng nghìn lượt kết quả như: “Nhận làm các loại giấy tờ uy tín”, “làm bằng giao ngay” hay “dịch vụ làm bằng tốt nghiệp các cấp, bằng cấp, chứng chỉ các loại-bảo mật - uy tín - chất lượng …”.
Tình trạng quảng cáo, mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả vẫn tràn lan, công khai trên mạng xã hội, trong khi các biện pháp chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe và còn bất cập.
Mua bán, sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật
Theo Luật sư Trần Hữu Lộc (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) hành vi làm, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ và các tài liệu giả khác của cơ quan, tổ chức là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ trong các trường hợp cụ thể, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của từng lĩnh vực hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với hành vi quảng cáo về việc làm, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả: Việc quảng cáo đối với hành vi này là vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo về các hành vi bị cấm. Trên cơ sở đó, cá nhân thực hiện việc quảng cáo những nội dung liên quan đến làm, cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP).
Đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ và các tài liệu khác của cơ quan, tổ chức: Trường hợp làm giả văn bằng, chứng chỉ trong lĩnh vực giáo dục, người làm giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 79/2015/NĐ-CP.
Trường hợp làm giả các chứng chỉ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực tư pháp, người làm giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ và các tài liệu khác của cơ quan, tổ chức: Trường hợp mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong lĩnh vực giáo dục, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 79/2015/NĐ-CP.
Trường hợp sử dụng chứng chỉ, tài liệu giả trong lĩnh vực tư pháp, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà sử dụng giấy phép lái xe giả/giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt nặng nhất lên đến 12.000.000 đồng (tùy từng trường hợp) theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người có hành vi sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Luật sư Lộc khẳng định: Bên cạnh việc không có hiệu lực sử dụng, việc mua bán văn bằng, chứng chỉ giả là vi phạm pháp luật ngay cả trong trường hợp mua bằng giả nhưng chưa dùng hay không sử dụng. Người dân cần cảnh giác với những nội dung quảng cáo, chiêu dụ về việc mua bán, cung cấp các loại chứng chỉ, văn bằng này; đồng thời tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trên đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
- Sập bẫy quảng cáo làm răng giá rẻ trên mạng xã hội
- Làm hộ chiếu qua mạng xã hội, bài toán giữa được và mất
- Bát nháo quảng cáo, rao bán đao, kiếm… công khai trên mạng xã hội