Thứ năm, 13/06/2024, 08:28 (GMT+7)

Bát nháo quảng cáo, rao bán đao, kiếm… công khai trên mạng xã hội

Phong Nha (Tiếp thị & Gia đình)

Tình trạng quảng cáo, mua bán đao, kiếm trái phép qua mạng xã hội có chiều hướng phức tạp. Việc này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, vừa đe dọa tính mạng con người, vừa ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.

“Chợ” vũ khí rao bán công khai

Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội có nhiều fanpage, shop online… buôn bán các loại vũ khí tự vệ với những bài đăng rao bán các loại vũ khí như kiếm, mã tấu… đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận… mỗi ngày không ít đơn hàng đã được chốt.

Ghi nhận của phóng viên, khi tìm kiếm cụm từ "mua bán vũ khí", “mua bán kiếm” từ Facebook đến các trang mạng xã hội Tiktok… ra hàng chục nghìn kết quả khác nhau với đủ các loại từ dao, kiếm, mã tấu, bình xịt hơi cay. Có nhóm hàng nghìn thành viên tham gia, có những nhóm kín phải xác minh thành viên giới thiệu.

kiếm
Các loại kiếm được giới thiệu, rao bán công khai trên các hội nhóm Facebook.

Trên các fanpage rất dễ trao đổi mua bán, công khai, đa dạng chủng loại thậm chí đối tượng hướng dẫn cả cách sử dụng để chứng minh những loại này có tính sát thương cao. Các đối tượng vận chuyển vũ khí bằng xe khách, đóng gói kín trong các kiện hàng.

Nhiều chủ tài khoản sử dụng những tài khoản ảo để đăng tải các bài viết rao bán, quảng cáo sản phẩm. Để có thể liên hệ hay biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm phải qua một hoặc nhiều tài khoản Zalo, Telegram để đảm bảo tính báo mật cho những giao dịch này.

Trên các “chợ” online, một chủ tài khoản này giao bán một đao dài 80cm với giá 400.000 đồng, một kiếm nhật với giá 1,1 triệu đồng. Hầu hết những sản phẩm này đều là những sản phẩm tự chế, có tính sát thương cao và mang tính chất kích động bạo lực.

Kiếm
Khi chốt đơn, hàng sẽ được giao đến người nhận thông qua xe khách.

Anh Nguyễn Văn Thái (38 tuổi, TPHCM) chia sẻ, mặc dù anh không có nhu cầu mua kiếm nhưng khi lướt Facebook, Tiktok vẫn thường xuyên bắt gặp các nội dung rao bán các loại vũ khí này dưới dạng các bài đăng quảng cáo, video giới thiệu sản phẩm.

Người bán lẫn người mua đều vi phạm pháp luật

Để trấn an người mua, các trang rao bán vũ khí đều khẳng định rằng những loại “hàng” mà mình đăng bán đều là “vũ khí tự vệ” hợp pháp mà người mua có thể mang bên mình để tự vệ mà không gặp phải rắc rối nào.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Hữu Lộc - Đoàn Luật sư Đồng Nai, căn cứ khoản 7 Điều 7 Luật Quảng cáo, việc quảng cáo "súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực" là bị cấm. 

kiếm
Kiếm Nhật cùng các loại vũ khí được rao bán, hướng dẫn sử dụng trên nền tảng Tiktok.

Do đó, nếu xác định các sản phẩm đao, kiếm Nhật, ... này được các cơ quan chức năng xác định là sản phẩm hỗ trợ, kích động bạo lực thì việc quảng cáo nói trên là vì phạm pháp luật. Việc vi phạm pháp luật về quảng cáo sản phẩm hỗ trợ, kích động bạo lực, nếu bị phát hiện sẽ có khả năng bị xử phạt theo quy định điểm c, khoản 2 Điều 33 Nghị định 38/202/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt cao nhất lên đến 100.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, đao, kiếm Nhật,… được xác định là vũ khí thô sơ theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. 

"Việc các cá nhân mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép có thể bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013 với mức phạt tối đa đến 10.000.000 đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự hiện hành", Luật sư Lộc nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục