Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 31/05/2024, 10:13 (GMT+7)

'Ma trận' quảng cáo thuốc lá điện tử bủa vây giới trẻ

Các trang mạng xã hội rầm rộ quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, khiến xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên.

Facebok, tiktok “tiếp thị” cho thuốc lá điện tử

Thời gian qua tên mạng xã hội facebook, tiktok có hàng loạt hội nhóm quảng cáo, buôn bán thuốc lá điện tử cũng được lập ra như "Vape - Thuốc lá điện tử", "Vape - Pod - Thuốc lá điện tử"… Mỗi bài viết của các nhóm này liên tục được các tài khoản có lượng follower (người theo dõi) lớn chia sẻ, giới thiệu.

Đặc biệt, gần đây trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút shisha được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội. Những người bán thuốc lá điện tử liên tục đăng bài  quảng cáo, phát trực tiếp, sản xuất clip ngắn, tài trợ cho những kênh có nhiều người theo dõi để “tiếp thị” thuốc lá điện tử.

Thuoc-la
Thuốc lá điện tử được quảng cáo, rao bán công khai trên facebook.

Bạn trẻ Văn Thắng đang là sinh viên năm 2 ở TPHCM chia sẻ: “Mỗi lần đi cà phê thấy bạn bè đều hút thuốc lá điện tử. Về nhà lướt facebook thấy nhiều người đăng quảng cáo thuốc lá điện tử ít gây hại cho sức khỏe nên tôi quyết định mua về dùng thử. Giờ muốn mua loại gì thì lên facebook hoặc tiktok chọn mẫu mã, nhãn hiệu, vị tinh dầu sẽ có shipper giao hàng đến tận nơi”.

Không chỉ Thắng mà hiện nay nhiều bạn trẻ xem hút thuốc lá điện tử là một trào lưu thời thượng... Qua đó có thể thấy, việc quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội, các trang thông tin điện tử hiện nay đều không có sự kiểm soát và ngăn chặn kịp thời và việc quảng cáo các sản phẩm thuốc tại thị trường Việt Nam, do đó cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm thực thi các quy định của pháp luật cũng như ngăn ngừa các quảng cáo này tiếp cận đến với giới trẻ Việt Nam.

Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử

Liên quan đến việc thuốc lá điện tử ngày càng quảng cáo rầm rộ, gia tăng người sử dụng, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Theo đó, qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh. Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. 

thuoc-la
Kênh tiktok "tiếp thị" thuốc lá điện tử thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi, đặt mua hàng.

Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) - Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.

Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế thực hiện một số nội dung sau:

Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.

Tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT để cung cấp thông tin, và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý. 

Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng.

Trước đó, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Trong đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe. Đồng thời, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Nhằm tiếp tục tăng cường thực thi các luật, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc.

Đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; tăng cường việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm bị cấm.

Theo quy định tại Điều 102 Luật Thương mại 2005, quảng cáo là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.

Tại khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại 2005, quảng cáo thuốc thuộc các trường hợp bị cấm quảng cáo thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 cũng có quy định như sau:

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, pháp luật Việt Nam hiện nay nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả hành vi quảng cáo thuốc lá điện tử.

Tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định: hành vi quảng cáo thuốc lá có thể bị xử phạt tiền lên đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân và 140.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

Ngoài ra, bên cạnh mức phạt tiền nêu trên, hành vị quảng cáo thuốc lá còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo.

Cùng chuyên mục