Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, pháp luật quy định xử phạt ra sao?
Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Tùy thuộc số lượng mà có mức hình phạt khác nhau nhưng nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Đủ chiêu vận chuyển, buôn lậu thuốc lá
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Thủy (sinh năm 1983), Đỗ Hữu Thiết (sinh năm 1976, cùng trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) và Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1990, trú tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) về tội buôn bán hàng cấm là 44.200 bao thuốc lá điếu nhập lậu, theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Ninh.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, vào hồi 23h45 ngày 25/4, tại tổ 9, khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Công an TP Hạ Long phát hiện, bắt quả tang Hoàng Thị Thủy và Đỗ Văn Thiết đang có hành vi bốc xếp, vận chuyển các thùng bìa cát tông và các bao tải nilon chứa thuốc lá điếu không có nguồn gốc, xuất xứ, do nước ngoài sản xuất lên xe ô tô bán tải để chuẩn bị vận chuyển đi xé lẻ, tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 7.920 bao thuốc lá đã được các đối tượng bốc xếp lên xe ô tô và 20.160 bao thuốc lá đang được cất giấu trong nhà kho tại địa chỉ nêu trên.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã thi hành các lệnh khám xét khẩn cấp, thu giữ thêm 9.640 bao thuốc lá do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời bắt giữ, khởi tố Nguyễn Văn Thủy là đối tượng đã bán số thuốc lá nêu trên cho Hoàng Thị Thủy và Đỗ Hữu Thiết. Vụ việc hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm.
Tương tự, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã tạm giữ hình sự đối với Ngô Hồng Minh Tâm (sinh năm 1974, trú tại phường Bình San, TP Hà Tiên) về hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Đối tượng Tâm bị tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kiên Giang bắt quả tang khi đang điều khiển xe ô tô tải chở 29.600 bao thuốc lá điếu nhập lậu (gồm hai loại thuốc lá nhãn hiệu HERO và JET) vào rạng sáng 4/5 trên quốc lộ 80 (đoạn thuộc ấp Hưng Giang, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất). Số thuốc lá lậu này có trị giá hơn 500 triệu đồng.
Một vụ việc khác, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), ngày 6/5, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã phát hiện cơ sở kinh doanh tạp hóa tại địa chỉ đường Nguyễn Huệ, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum có dấu hiệu mua, bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu nên tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh tạp hóa tại địa chỉ nêu trên có hành vi mua, bán số lượng thuốc lá điếu nhập lậu là 66 bao (20 điếu/bao) gồm các nhãn hiệu Mond, Jet, ESSE, Capri, Hero. Tất cả số thuốc lá điếu này được sản xuất tại nước ngoài nhưng không có tem thuốc lá, không có nhãn phụ thể hiện đơn vị nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và báo cáo cấp trên đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Hay, ngày 12/4/2024, trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với lực lượng chức năng đón dừng phương tiện, tiến hành kiểm tra hàng hóa trên xe ô tô tải do ông Đ.V.T (có địa chỉ tại thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) điều khiển chạy theo hướng từ Nam ra Bắc có dấu hiệu vi phạm.
Kết quả khám phương tiện, phát hiện trên xe có vận chuyển số hàng hóa vi phạm gồm 680 bao thuốc lá điếu (trong đó có 500 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu RAISON ICE CAFÉ và 180 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu ESSE CHANGE), do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra, không có tem thuốc lá nhập khẩu, là hàng cấm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trên xe còn vận chuyển một số lượng lớn hàng hóa đã qua sử dụng, do nước ngoài sản xuất và không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định; trị giá tang vật tạm giữ ước tính hơn 500 triệu đồng…
Buôn bán thuốc lá lậu có thể bị xử lý hình sự như thế nào?
Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Nghiêm cấm sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị trực tiếp thuốc lá tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
Về hình thức xử phạt, căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hành vi buôn lậu thuốc lá sẽ bị xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao (1 bao = 20 điếu, đối với thuốc lá xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao); Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng;
Cùng đó, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 500 bao bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao đến dưới 1.000 bao bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao bị phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng.
Mặt khác, trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Ngoài hành vi buôn bán, mức phạt trên cũng áp dụng cho hành vi vận chuyển, tàng trữ, giao, nhận hàng cấm.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu thuốc lá do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Đồng thời, thèm theo hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) bao gồm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 12 Điều này; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này;
Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có số lượng, khối lượng, trị giá hoặc số thu lợi bất chính được quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này...
Trong khi đó, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi theo khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người nào thực hiện buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao thì bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm. Đáng chú ý, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên thì bị phạt tù từ 8 - 15 năm.
Tương tự, theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạt tù từ 5 - 10 năm nếu tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên…
Trong một diễn biến khác, thông tin tại Cổng thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hoá chất độc hại, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện, các chất gây độc và 70 chất gây ung thư.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện kịp thời. Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP của nước ta (tương đương 67.000 tỷ đồng/năm).