Thứ ba, 18/04/2023, 16:53 (GMT+7)

Hiểm họa chết người từ thuốc lá điện tử chứa chất cấm

Ngọc Mai (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân là thanh thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa ma túy tăng lên đột biến.

Sử dụng thuốc lá điện tử “an toàn” hơn thuốc lá truyền thống?

Vài năm trở lại đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vape) ở giới trẻ trở nên phổ biến. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2022 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.

Theo Kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, tình hình học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. 

image-20220430232957-1
Quảng cáo bán thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội

Các sản phẩm thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm này trên internet, các trang mạng xã hội… Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.

Đáng nói, thời gian qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa ma túy tổng hợp. Mới đây nhất, Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân 16 tuổi ở Ninh Bình trong tình trạng ngộ độc chất kích thích.

Ngày 26/3, người nhà phát hiện bệnh nhân co quắp, gồng cứng người, đau ngực đưa cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Bệnh nhân được chẩn đoán co giật chưa rõ nguyên nhân và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Được biết, người này có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử 3 tháng qua. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân 22 tuổi ở Sơn La sau khi hút thuốc lá điện tử nhiều thì xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, bủn rủn chân tay, nôn, đau thắt ngực trái từng cơn cũng được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Thuốc lá điện tử thu hút giới trẻ do nhiều loại có thiết kế thời trang bắt mắt, hiện đại và nhỏ gọn với nhiều mùi hương đa dạng từ trái cây, bánh ngọt, đến các hương vị cồn, làm cho việc sử dụng thuốc lá điện tử trở nên hấp dẫn hơn. Các công ty sản xuất thuốc lá điện tử thường quảng cáo và tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội nhắm đến giới trẻ.

Mặt khác, một số người tin rằng thuốc lá điện tử ít hại hơn so với thuốc lá truyền thống, có thể thu hút giới trẻ tìm kiếm một lựa chọn "sạch" hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, vì sử dụng thuốc lá điện tử cũng gây ra các tác dụng phụ và rủi ro sức khỏe.

Nguy hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa ma túy

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, sử dụng thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. Dung dịch dùng cho thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Ngoài ra trong dung dịch thuốc lá điện tử còn chứa glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc...

Với các loại thuốc lá điện tử chứa ma túy thay vì chứa nicotine, nó lại chứa các chất ma túy như THC (tetrahydrocannabinol) hoặc CBD (cannabidiol). THC và CBD là các chất hoạt động trong cần sa, một loại ma túy phổ biến. Những thiết bị này được gọi là vape pen, vaporizer hay e-cigarette chứa ma túy. Các chất ma túy này thường được hòa tan trong chất lỏng, được gọi là tinh dầu vape, sau đó được gia nhiệt bởi thiết bị để tạo ra hơi thở vào do đó rất khó phát hiện. 

img9468-1625826117512421003271-16258261644821397287568
Thuốc lá điện tử - Làn khói chết người từng bước xâm nhập học đường

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử chứa ma túy thế hệ mới hiện nay có nhiều chất độc, tác động nguy hiểm tới sức khỏe, có thể biến người trẻ tuổi thành người cao tuổi. Sau khi hút các chất kích thích, người trẻ tuổi rất nhanh bị co thắt mạch vành, hẹp mạch máu gây tổn thương cơ tim.

Có những trường hợp sử dụng chất gây nghiện dài ngày gây ra ngộ độc chất kích thích, gây ra tổn thương não bộ nghiêm trọng, rất khó phục hồi. Nicotine và các chất gây nghiện trong tinh dầu thuốc lá điện tử sẽ khiến người sử dụng bị mất trí nhớ, có cảm xúc bùng phát mạnh mẽ, xa rời thực tế và giảm khả năng thực hiện những việc cần sự điều khiển của tay chân như lái xe, điều khiển máy móc...

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử chứa chất cấm có thể gây ra tác động tiêu cực đến hành vi và tâm lý của người dùng. Những người sử dụng thuốc lá điện tử có thể trở nên bất cẩn hơn, tăng cường khả năng tự tổn thương và có thể gây ra các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm. Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận nhiều ca tự tử đều có tiền sử sử dụng ma túy, gây ra rối loạn tâm thần, hoang tưởng dẫn đến hành vi tự sát.

Do đó, nếu không có biện pháp cụ thể ngăn chặn việc thuốc lá điện tử hệ lụy tương lai sẽ lớn vô vùng. Mới đây, Bộ Y tế đã có đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vì có hại sức khỏe, nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội. Bộ Y tế cũng có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị tiếp tục phổ biến tác hại của thuốc lá và các quy định phòng chống tác hại của thuốc lá, tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, sisha... tại các cơ sở giáo dục. 

Cùng chuyên mục