Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 22/05/2024, 14:01 (GMT+7)

'Ma trận' quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Quản lý thế nào?

Theo Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam, nhưng thực tế vẫn được quảng cáo và bán công khai trên mạng xã hội. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Tràn lan quảng cáo, mua bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm này đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Theo đó, các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

thuocladt3
Một quảng cáo về sản phẩm thuốc lá điện tử trên mạng xã hội. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận.

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi từ 13 -15 là 3,5%. Cũng theo báo cáo của WHO, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Bộ Y tế cho biết, thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.

Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá điện tử. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Gần đây nhất, ngày 4/5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại phiên giải trình, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Theo báo cáo, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs), trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.

Thông tin từ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho hay, trong thời gian qua, Trung tâm tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào cấp cứu, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên.

“Do chưa có phác đồ chính thức điều trị thuốc lá điện tử, nên 75% ca nhập viện phải thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% phải đặt ống thở và một số ca phải sử dụng ECMO, 25-58% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau, rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau khi ra viện. Chi phí điều trị cho ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng”, đại diện Trung tâm cho biết.

“Siết” quản lý thuốc lá điện tử, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “nóng”

Trước tình hình trên, mới nhất, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Công điện nêu rõ, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Cùng đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Đối với Bộ Công an, chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Bộ Công Thương được giao chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam.

thuocladt4
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu tại TP Nha Trang tháng 4/2024. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, ngày 4/5, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đáng chú ý, để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm là chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam…

Quảng cáo thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Nghiêm cấm sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. Nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này; Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Tại khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại 2005 cũng quy định, quảng cáo thuốc lá thuộc các trường hợp bị cấm quảng cáo thương mại tại Việt Nam. Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, thì quảng cáo thuốc lá là hành vi bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức, kể cả hành vi quảng cáo thuốc lá điện tử.

Về hình thức xử phạt, theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, một trong các hành vi vi phạm bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng gồm quảng cáo thuốc lá; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác…

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định; Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền tại điều này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, bên cạnh mức phạt tiền nêu trên, hành vi quảng cáo thuốc lá còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo...

Mặt khác, thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá nên việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 106/2017/NĐ-CP và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP để kinh doanh thuốc lá cần đáp ứng các điều kiện sau: Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012; Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.

Đối với các hành vi bán chui thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thuốc lá điện tử (ENDs) hay còn gọi là vape/POD hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng (chất lỏng điện tử) tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. Chúng được thiết kế với nhiều màu sắc, đa dạng hình dáng như cây bút, USB,... cùng nhiều hương vị hấp dẫn như trái cây, bạc hà,…. Dung dịch trong thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi: “e-cigs,” “e-hookahs,” “mods,” “bút vape,” “vapes” ... Một số thuốc lá điện tử được sản xuất dưới dạng thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống điếu, có loại giống cây bút, ổ USB và những vật dụng thường ngày khác.

Thuốc lá nung nóng là thiết bị chạy bằng pin được sử dụng để làm nóng điếu hoặc ngăn nén thuốc lá. Việc làm nóng tạo nên sol khí, chứa nicotine và các hóa chất khác, được người dùng hít vào. Nicotine trong cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất độc hại, có tính gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá và ung thư.. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến cáo: Đây là những sản phẩm độc hại và không giúp cai nghiện thuốc lá.

Theo báo cáo mới nhất gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị thực hiện loạt biện pháp quản lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Công Thương cho biết, đã có chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Thống kê từ năm 2020 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 8.000 vụ, xử lý hàng trăm nghìn bao thuốc nhập lậu. Trong đó, xử lý hơn 10 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thu nộp ngân sách nhiều tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng cũng phát hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử đều là nhập lậu, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.

Cùng chuyên mục