Quảng cáo dịch vụ đặc biệt trái phép, Dược Mỹ phẩm Medugroup bị phạt gần 130 triệu đồng
Quảng cáo dịch vụ đặc biệt khi chưa được cấp phép phê duyệt nội dung quảng cáo; tổ chức sự kiện giới thiệu mỹ phẩm không thông báo tới cơ quan chức năng… là một trong những vi phạm của Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup và bị xử phạt 127 triệu đồng.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM mới đây vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup (địa chỉ tại xóm 1, thôn Dư Xá, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) do có vi phạm tại số 38 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TPHCM.
Cụ thể, các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup bao gồm: Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa (lô hàng bao gồm 200 hộp sản phẩm Medulax Expert Peeling Serum).
Đáng chú ý, Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Medugroup còn tiến hành quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; không thông báo tới cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
Ngoài phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế TPHCM còn xử phạt bổ sung buộc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Medugroup đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa.
Cùng đó, công ty còn buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.
Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định ra sao?
Quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP nêu rõ, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định, nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa như sau: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
Quảng cáo dịch vụ đặc biệt không phép bị xử lý thế nào?
Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…
Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định điều kiện chung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Cùng đó, tổ chức, cá nhận vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.
Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP).