Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 28/05/2024, 14:49 (GMT+7)

Quảng cáo dịch vụ đặc biệt trái phép, Nha khoa Phương Khôi, Smile up Dental lĩnh trát phạt

Qua rà soát, Sở Y tế TP Hà Nội phát hiện các phòng khám nha khoa như Smile up Dental, Phương Khôi… đăng tải hình ảnh quảng cáo dịch vụ đặc biệt khi chưa được cấp phép phê duyệt nội dung quảng cáo.

Quảng cáo dịch vụ trái phép, loạt phòng khám, nhà thuốc bị “sờ gáy”

Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách nhiều cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế từ ngày 13/5 - 17/5 với tổng số tiền lên tới 151,5 triệu đồng, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 2 phòng khám răng hàm mặt có hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.

Cụ thể, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt Smile up Dental (tầng 5, toà nhà TID, số 4 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị xử phạt 26,5 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo trên internet.

Sở Y tế Hà Nội xác định, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt Smile up Dental đã có các hành vi vi phạm như: Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

nhakhoaphuongkhoi
Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - Nha khoa Phương Khôi quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng xác nhận nội dung.

Tương tự, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - Nha khoa Phương Khôi (có địa chỉ tại số 308 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt số tiền 22,5 triệu đồng với lỗi vi phạm quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đồng thời, phòng khám này cũng bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo trên internet.

Ngoài ra, trong danh sách trên, Sở Y tế Hà Nội cũng ra quyết định xử phạt hàng loạt nhà thuốc trên địa bàn như: Nhà thuốc Tuấn Lan (địa chỉ tại số 319 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Nhà thuốc số 30 (địa chỉ tại số 174 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông); Nhà thuốc Độ Linh (số 172 Nguyễn Viết Xuân, phường Hà Cầu, quận Hà Đông); Nhà thuốc Tâm Minh (số 12 ngõ 12 đường Quang Trung, quận Hà Đông); quầy thuốc Đức Tâm số 3 (số 249, tổ dân phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quố Oai); Công ty TNHH dinh dưỡng VIAM (số 7 ngách 32 ngõ 302 Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai)…

Trong đó, các cơ sở nhà thuốc trên mắc nhiều lỗi vi phạm bao gồm: Niêm yết không đầy đủ giá thuốc tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; Dược sĩ phụ trách chuyên môn của cơ sở vắng mặt trong thời gian cơ sở hoạt động (không thực hiện ủy quyền theo quy định); Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật…

Đáng chú ý, với lỗi vi phạm không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật, Công ty CP dược và thiết bị y tế T.W.I (thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) đã bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 50 triệu đồng.

Quảng cáo dịch vụ thiếu giấy phép quảng cáo bị xử phạt ra sao?

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định điều kiện chung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng đó, tổ chức, cá nhận vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.

Mặt khác, vi phạm các quy định về điều kiện quảng cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Không có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng theo quy định khi quảng cáo tài sản.

Lưu ý, tất cả mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP).

Cùng chuyên mục