Thứ ba, 25/07/2023, 10:37 (GMT+7)

Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi): Đề xuất nghệ sĩ, KOL quảng cáo sản phẩm phải có bằng chứng trực tiếp sử dụng

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất bổ sung một số quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho biết, cơ quan này vừa có Công văn số 2767/BVHTTDL-VHCS gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tập trung vào 4 chính sách bao gồm: Sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài và hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trong thị trường quảng cáo Việt Nam; Tính phù hợp và trung thực của nội dung quảng cáo; Giới hạn về thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình; Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. 

Đáng chú ý, tại dự thảo đề cương bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải quảng cáo sản phẩm có tầm ảnh hưởng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng được xác định là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký, theo dõi lớn. 

hong-van-2
Đề xuất người nổi tiếng, KOL đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm

Hoạt động của người chuyển tải quảng cáo sản phẩm có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu. Cụ thể, phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, tờ trình còn đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Trong đó cho phép các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, không bắt buộc phải hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam...

Cùng với đó sửa đổi, bổ sung chính sách tăng cường quản lý quảng cáo trên mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Sửa đổi quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử, sửa tên thành quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm.

Bổ sung quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước, ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định.

Bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định. Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật, thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân, quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm.

Bộ VHTT&DL cũng đề xuất các nội dung liên quan đến quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, dịch vụ khám chữa bệnh... Theo đó, quảng cáo thực phẩm chức năng: phải có công dụng, tác dụng; khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 

nh chụp màn hình 2023-07-25 102706
Rộ tình trạng ngôi sao đi quảng cáo sản phẩm nhưng mơ hồ về chất lượng

Quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải có các nội dung tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ. Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, khuyến cáo "sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" và “sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi”.

Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung tên, địa chỉ của cơ sở được cấp phép hoạt động. Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề đã được cấp phép...

Quảng cáo thuốc phải có các thông tin: Tên thuốc; Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được phê duyệt; Chỉ định; Cách dùng; Liều dùng; Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt; Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc; Lời dặn "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".

Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải có các nội dung sau đây: Tên; Tính năng, công dụng của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong danh mục hạn chế sử dụng”.

Thời gian qua, không ít lần rộ lên tình trạng những nghệ sĩ, KOL quảng cáo bán hàng về thực phẩm chức năng, tiền ảo, thậm chí giới thiệu sản phẩm tâm linh hay mách nhau “địa chỉ” Facebook để xem bói online. NSND Hồng Vân đã từng phải lên tiếng xin lỗi khán giả do quảng cáo công dụng quá đà cho viên sủi thảo dược với các tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Hay Dương Cẩm Lynh cũng phải thừa nhận nhận quảng cáo sai sự thật về một sản phẩm sữa non canxi. 

mc-cat-tuong-quang-cao-san-pham-sua-non-diasure-nhu-thuoc-chua-benh-tieu-duong-1672364536-16770475474411895982770
MC Cát Tường từng quảng cáo một sản phẩm sữa non như thần dược

MC Cát Tường cũng từng đăng tải bài viết quảng cáo sữa tự tin kể ra một loạt các công dụng thần thánh chẳng khác nào thuốc chữa bệnh xương khớp, có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh chỉ sau thời gian ngắn. Lần khác, cô còn đăng bài quảng cáo “bói tử vi” trên trang Facebook chính chủ.

Việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể kích động người dân bỏ tiền mua, hành vi trực tiếp và gián tiếp mang tính lừa bịp lừa đảo. Do đó, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng cần phải hoàn thiện luật pháp, bổ sung chế tài phạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo các sản phẩm. 

Cùng chuyên mục