Xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thuốc trái phép qua mạng xã hội
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thuốc qua các trang mạng xã hội.
Những năm gần đây, tình trạng hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trở nên phổ biến. Trên các trang mạng xã hội, việc các đối tượng lợi dụng người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần dược” để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường… xuất hiện tràn lan. Đáng nói, không ít sản phẩm quảng cáo chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong tháng 12/2022, Google đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc vi phạm "gia truyền ba đời", "thần y", "cam kết chữa khỏi bệnh"… trên nền tảng do dịch vụ xuyên biên giới này quản lý. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người do ít thông tin, thiếu cảnh giác đã bỏ ra khá nhiều tiền để mua sản phẩm này để rồi “tiền vẫn mất, tật vẫn mang”.
Để ngăn chặn và phòng ngừa thực trạng này, Bộ Y tế đã có công văn số 286/BYT-QLD về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các mạng xã hội. Theo đó, Bộ Y tế nhận định: Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13.
Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter..., các nền tảng quảng cáo trên Youtube, Coccoc, Chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm này. Phải có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật; có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo; đặc biệt là không quảng cáo các thuốc chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và chưa qua kiểm duyệt xác nhận nội dung. Phát hiện và xử lý nghiêm các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo thổi phồng tác dụng, công dụng chữa bệnh của sản phẩm.
Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo, các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo; phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Chủ động bố trí lực lượng phối hợp với ngành y tế, các sở, ngành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng.