Thứ năm, 22/06/2023, 07:15 (GMT+7)

Quảng cáo thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?

Mai Anh (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thực phẩm chức năng đang ngày càng phổ biến và thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng thông qua các hoạt động quảng cáo. Vậy làm thế nào để quảng cáo thực phẩm chức năng một cách hợp pháp?

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng để chăm lo cho sức khoẻ và đời sống đang là một hướng đi mới phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết, năm 2022, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam tăng trưởng tới 15%/năm và tỷ lệ người tiêu dùng trong nước đã biết và sử dụng các sản phẩm là trên 60%.

Thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của các phương tiện công nghệ thông tin và mạng xã hội, vấn nạn gian dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng càng ngày càng phổ biến, được nâng cấp với thủ đoạn tinh vi hơn khiến người tiêu dùng dễ dàng lạc vào ma trận các loại sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”.

Các hành vi vi phạm của các công ty hiện nay phổ biến gồm: Quảng cáo sai sự thật; quảng cáo khi chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các sản phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật; quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh; lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo... Điển hình là những vi phạm của nhãn thực phẩm chức năng NutriZabet

Nutrizabet-Tam
Vi phạm quảng cáo Sữa hạt dành cho người tiểu đường NutriZabet

Cụ thể, loại sữa hạt NutriZabet này liên tục tung hô là loại “sữa hạt tốt nhất thị trường”, “giải pháp toàn diện nhất cho người tiểu đường”, chỉ cần sử dụng từ 3-6 tháng sẽ ổn định đường huyết về 6.0. Không chỉ vậy, người bán còn “thổi phồng” công dụng sản phẩm bằng cách “đắp” lên vô số những “mĩ danh vô thực” cho thực phẩm chức năng NutriZabet như: công trình nghiên cứu đỉnh cao, sản phẩm của Viện nghiên cứu sức khoẻ quốc tế,… 

Đáng chú ý, nhà sản xuất sữa hạt NutriZabet còn đưa ra một văn bản và giới thiệu là chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. Tuy nhiên, khi tra cứu trên website của Cục An toàn thực phẩm, không có bất cứ thông tin nào thể hiện sản phẩm NutriZabet được cấp phép theo nội dung như trên.

Hay trên các trang mạng xã hội không khó để bắt gặp các clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm. Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát cảnh báo và xử phạt các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên các trang mạng. 

IMG_6140-1648778230449
Nhan nhản quảng cáo thực phẩm chức năng sử dụng hình ảnh y, bác sĩ

Tuy nhiên, xuất phát từ tâm lý muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt, đa số các doanh nghiệp vẫn cố tình làm sai để hòng kiếm về nhiều lợi nhuận. Một số khác còn thiếu kiến thức về pháp luật liên quan đến điều kiện và quy định quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trên thực tế, các quy định về việc đặt tên nhãn, các quy định, những điều kiện cần để quảng cáo về thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay đã khá chi tiết và chặt chẽ. Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối, để quảng cáo thực phẩm chức năng một cách hợp pháp các công ty cần phải thực hiện việc đăng ký xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Cụ thể, nội dung quảng cáo cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP như sau: Thứ nhất, nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Thứ hai, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Thứ ba, quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và các nội dung sau đây: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Thứ tư, không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Thứ năm, quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP. 

nh chụp màn hình 2023-06-21 234652
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối

Luật sư Hùng cho biết thêm, thực phẩm chức năng là thực phẩm đặc biệt sẽ tác động đến sức khoẻ cũng như tính mạng của con người nếu như sử dụng sai cách hoặc mua phải thực phẩm giả hay kém chất lượng. Do đó, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật hay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, nếu có hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật có thể bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với cá nhân, từ 100 đến 140 triệu đồng đối với tổ chức (Căn cứ: Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Ngoài ra, muốn được quảng cáo thực phẩm này sẽ phải thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng. Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp thực phẩm buộc phải thực hiện đăng ký nội dung trước khi quảng cáo, trong đó bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Và tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT cũng quy định thực phẩm chức năng là thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Y tế.

Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện việc xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và một số giấy tờ liên quan khác từ 1 đến 3 tháng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xoá quảng cáo đối với hành vi nêu trên.

Đối với các trường hợp sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo khiến người bệnh lầm tưởng rằng đây là thực phẩm chữa bệnh cho người tiêu dùng thì có thể bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Thậm chí, nếu tự ý lấy ảnh của người khác để quảng cáo mà chưa được sự đồng ý của người đó còn có thể bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng theo Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Với toàn bộ các hành vi nêu trên, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối với mức phạt cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm; phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. Song, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, đối chiếu về các quy định và mức xử phạt mà pháp luật đưa ra hiện nay là chưa thực sự đủ sức răn đe. Bởi các đối tượng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát để xử phạt.

Các mức xử phạt chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng hiện nay có thể chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số lợi nhuận mà các đối tượng kiếm được khi thực hiện hành vi vi phạm. Các đối tượng thường có tâm lý chấp nhận bị phạt để thu lại được nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, Luật sư kiến nghị tăng mức xử phạt mức xử phạt về hành chính và hình sự đối với các chế tài về lĩnh vực thực phẩm - thuốc, đặc biệt là vấn đề quảng cáo nhằm tạo ra cơ sở tốt hơn để giáo dục ý thức, hành vi của mỗi người, giảm thiểu và đi đến ngăn chặn các hành vi phạm tội diễn ra.

Cùng chuyên mục