Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 31/10/2024, 10:35 (GMT+7)

Thế giới quy định thế nào về trách nhiệm của nền tảng số trong hoạt động quảng cáo trực tuyến?

Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Quảng cáo nhằm cập nhật các quy định trong lĩnh vực này để thích ứng với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số và giải quyết các vấn đề mới nổi trong ngành quảng cáo. Theo đó, việc tham khảo, kết hợp một số thông lệ quốc tế sẽ tạo nền tảng để tăng cường và hoàn thiện hơn nữa những thay đổi luật sắp tới.

Không chỉ ở Việt Nam, quảng cáo trực tuyến đã trở thành xu thế chung trong ngành quảng cáo toàn cầu. Thậm chí, tại một số quốc gia, xu hướng này đã phát triển sớm và nhanh chóng hơn rất nhiều so với Việt Nam. Song dù sớm hay muộn, khi đứng trước sự vận động, phát triển nhanh chóng của thực tiễn, việc đầu tư vào hệ thống pháp luật là yêu cầu bắt buộc để vừa đảm bảo phát triển nhanh nhưng vẫn bền vững. 

Theo Nguyễn Quang Đồng - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, quảng cáo trực tuyến đã làm nảy sinh hai đặc điểm mới. Đó là việc các cá nhân (người nổi tiếng, người dùng thông thường) đều có thể thực hiện hành vi quảng cáo thông qua mạng xã hội và sự xuất hiện của các chủ thể phân phối quảng cáo mới (Facebook, YouTube, Google, TikTok, Instagram, Zalo,…). 

Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành lại chưa có các quy định rõ ràng về nghĩa vụ của các chủ thể mới này. Vậy trên góc độ pháp lý, các quốc gia trên thế giới đã quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý các nền tảng số trong hoạt động quảng cáo trực tuyến?

Trách nhiệm của nền tảng số trong hoạt động quảng cáo trực tuyến?

Luật sư Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đã đặt ra các quy định pháp lý gắn với trách nhiệm của các nền tảng số trung gian. 

Đơn cử như Đạo Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU - văn bản pháp lý mang tính bước ngoặt trong việc tạo ra một môi trường internet an toàn và minh bạch hơn cho người dùng EU. Với đạo luật này, những “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook hay Google phải áp dụng các biện pháp bắt buộc kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp, cũng như ngăn chặn phát tán những nội dung độc hại trên mọi nền tảng trực tuyến của các công ty. Việc thực hiện các quy định này cũng sẽ góp phần bảo vệ lợi ích của người dùng, đồng thời hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và đảm bảo một sân chơi công bằng.

z5957632663276_0ead811406a6a949835f943a20baaf2d
Tại nhiều quốc gia, các nền tảng số đều được gắn các trách nhiệm pháp lý.

Trước khi đạo luật DSA chính thức có hiệu lực vào 8/2023, các quy định đối với dịch vụ trực tuyến ở EU chủ yếu từ Chỉ thị về thương mại điện tử được thông qua vào năm 2000. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các quy định trở nên lỗi thời và không đủ để giải quyết các vấn đề bao trùm trong không gian số, đơn cử như sự xuất hiện và thống trị của các nền tảng mạng xã hội, các trang thương mại trực tuyến…

Để giải quyết vấn đề này, sau nhiều cuộc thảo luận, các nhà lập pháp EU đã thống nhất thông qua đạo luật DSA. Trong đó, trọng tâm của đạo luật này là mang lại sự rõ ràng và chính xác hơn cho các quy trình kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng. Các quy định có thể áp dụng là lệnh cấm quảng cáo có mục tiêu sử dụng thông tin nhạy cảm của người dùng, như xu hướng giới tính đặc biệt, tôn giáo, sắc tộc hoặc chính trị; hạn chế trong việc hướng các quảng cáo có mục tiêu đến đối tượng trẻ; yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu cần thiết với cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý khi được yêu cầu…

Hay tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia quyết liệt trong việc đặt ra quy định về trách nhiệm của các nền tảng số. Theo đó, Chính phủ nước này đã ban hành Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Luật này áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Twitter... vốn bị chỉ trích nặng nề về vấn nạn tin giả do buông lỏng cơ chế giám sát. Theo đó, người đứng đầu các bộ của Singapore có quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật trên các mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin sai sự thật được đăng tải, người đứng đầu các bộ có thẩm quyền buộc các cá nhân, công ty sai phạm phải đính chính cũng như ngừng phát tán thông tin. Thậm chí, trong hầu hết các tình huống, cơ quan quản lý của nước này được sử dụng giải pháp đóng tài khoản vi phạm, vô hiệu hóa đường truyền hay xóa luôn các trang mạng…

Trách nhiệm của nền tảng khi người dùng vi phạm về quảng cáo?

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thừa nhận rằng việc quy trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng số trung gian đối với các nội dung vi phạm do người dùng đăng tải trong mọi trường hợp là không hợp lý. Điều này xuất phát từ nhiều lý do như sự không cân xứng giữa nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với vai trò trung gian và độc lập của nền tảng, tính không khả thi về mặt tuân thủ, khả năng ngăn cản đối với sự phát triển và đổi mới của các nền tảng, rủi ro hạn chế quá mức đối với quyền tự do ngôn luận của người dùng, hiệu ứng này làm suy giảm các biện pháp quản lý nội dung trên nền tảng …

Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra một số ngoại lệ nhất định đối với nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng số trung gian, bao gồm nhưng không giới hạn ở những trường hợp nội dung được phân phối trên nền tảng là sản phẩm quảng cáo. 

z5957636153489_087c02356c99fe8f54b3be9e57146be9
Đạo Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU là văn bản pháp lý mang tính đột phá về quy trình kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng.

Thứ nhất, quy định miễn trừ nghĩa vụ theo dõi và giám sát nội dung của người dùng dịch vụ trên nền tảng. Cụ thể, Đạo Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU quy định miễn nghĩa vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc giám sát thông tin được truyền đưa hoặc lưu trữ, cũng như không áp đặt lên các nhà cung cấp này nghĩa vụ chủ động tìm kiếm bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên nền tảng.

Dịch vụ trung gian theo đó bao gồm một trong ba loại hình dịch vụ: chỉ truyền dẫn (mere conduit), bao gồm việc truyền tải thông tin của người sử dụng dịch vụ trong một mạng truyền thông hoặc hoặc việc cung cấp truy cập vào một mạng truyền thông; lưu trữ đệm (caching), bao gồm việc lưu trữ thông tin tự động, trung gian và tạm thời, được thực hiện với mục đích duy nhất là làm cho việc truyền tải thông tin đến những người nhận khác hiệu quả hơn khi họ yêu cầu; lưu trữ (hosting), bao gồm việc lưu trữ thông tin do người nhận dịch vụ cung cấp và yêu cầu.

Thứ hai, quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với nội dung vi phạm pháp luật của người dùng dịch vụ trên nền tảng. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng số trung gian thuộc một trong ba loại hình dịch vụ mere conduit, caching và hosting hoặc các trường hợp cung cấp dịch vụ trung gian tương tự thường được các quốc gia và vùng lãnh thổ miễn trách nhiệm pháp lý đối với thông tin do người dùng dịch vụ cung cấp. 

Tuy nhiên, điều kiện để miễn trừ trách nhiệm là phải dựa trên cơ sở thỏa mãn một số điều kiện nhất định như không được can thiệp vào nội dung của thông tin được lưu trữ hoặc truyền tải, hoặc không biết về nội dung thông tin trái pháp luật được thực hiện trên nền tảng của mình, hoặc có biện pháp khắc phục kịp thời khi phát hiện ra nội dung thông tin trái pháp luật đó. 

DMCA-DW
Đạo Luật Bản Quyền Thiên Niên Kỷ Kỹ Thuật Số (Digital Millennium Copyright Act) của Hoa Kỳ hướng tới bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trên internet.

Quy chế này được ghi nhận tại các khuôn khổ pháp luật như: Quy Định Thương Mại Điện Tử 2022 (Electronic Commerce (EC Directive) Regulations) của Vương quốc Anh, Đạo Luật Bản Quyền Thiên Niên Kỷ Kỹ Thuật Số (Digital Millennium Copyright Act) của Hoa Kỳ, Đạo Luật Dịch Vụ Số (Digital Services Act) của EU, Đạo Luật Dịch Vụ Phát Thanh Truyền Hình (Broadcasting Services Act) của Úc, Đạo Luật Bản Quyền của Hàn Quốc, Sắc Lệnh Bản Quyền của Đặc khu hành chính Hồng Kông.

Đáng lưu ý, Mục 230 của Đạo Luật Chuẩn Mực Truyền Thông 1996 của Hoa Kỳ cũng đưa ra hai nội dung quan trọng, bao gồm: miễn trừ trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đối với nội dung được tạo ra bởi bên thứ ba và miễn trừ trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến khi họ thực hiện các hành động ngăn chặn nội dung của bên thứ ba trên cơ sở thiện chí khi họ cho rằng các nội dung này là phản cảm.

Sự phát triển, vận động không ngừng đang khiến các quốc gia ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống pháp luật, chính sách để vừa đảm bảo phát triển nhanh nhưng vẫn bền vững. Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, tiến tới hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dù mỗi quốc gia đều xây dựng hệ thống pháp luật riêng dựa vào đặc thù của mình song vẫn có những điểm chung có thể học hỏi, tham khảo lẫn nhau, gợi mở cho Việt Nam cập nhật những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới để tham khảo và phát triển. 

Cùng chuyên mục