Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 15/10/2024, 14:33 (GMT+7)

Làm sao để vừa nâng cao hiệu quả quảng cáo trực tuyến, vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Sáng 15/10, Chương trình Tọa đàm "Quản lý quảng cáo trực tuyến - Hàm ý chính sách và góp ý nội dung sửa đổi Luật Quảng cáo" đã diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, các ý kiến đóng góp tập trung vào việc xây dựng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quảng cáo trực tuyến, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Tú Thành -  Phó Giám đốc Điều hành Khu vực, trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, sau hơn 10 năm thực thi, Luật Quảng cáo 2012 đã đạt được nhiều kết quả đáng kể song cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong hoạt động quản lý, đặc biệt là trong hoạt động quản lý quảng cáo trực tuyến. 

Quảng cáo trực tuyến là một trong những hình thức tiếp thị mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với hàng triệu cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Phương thức quảng cáo này được các doanh nghiệp nhỏ yêu thích vì có chi phí thấp, các gói dịch vụ linh hoạt, nhắm đúng khách hàng mục tiêu, dễ dàng đo lường hiệu quả... Có thể nói, quảng cáo trực tuyến giúp nhiều người Việt Nam có thể khởi nghiệp hơn, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Vũ Tú Thành -  Phó Giám đốc Điều hành Khu vực, trưởng đại diện tại Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
Ông Vũ Tú Thành -  Phó Giám đốc Điều hành Khu vực, trưởng đại diện tại Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Tuy nhiên, quảng cáo trực tuyến cũng là môi trường phát sinh nhiều hành vi tiêu cực cho người tiêu dùng và xã hội, có thể kể đến như quảng cáo hàng hoá bị cấm kinh doanh, nội dung quảng cáo không trung thực, lừa dối người tiêu dùng... Vì thế, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần đặt ra các quy định để quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến.

Góp ý tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần có các quy định riêng về hoạt động quảng các trên các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, các định chế cần hướng đến mục tiêu bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong và ngoài nước về quyền và nghĩa vụ cũng như chịu sự quản lý của pháp luật. 

z5931842910643_83cc16f83f8998c9bf09a007c9a1a21d
Ông Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, Hiệp Hội Quảng cáo Việt Nam

Về phía đại diện các Hiệp hội, ông Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, Hiệp Hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, việc đưa hoạt động quảng cáo trực tuyến đi vào đúng hướng phát triển thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, thay vì nghiêng về mặt quản lý, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần tạo điều kiện để doanh nghiệp và quảng cáo phát triển. 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Liên - đại diện Google bày tỏ, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần tập trung vào một vấn đề trọng tâm nhằm tăng tính thực thi. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp đa quốc gia tuân thủ đúng, đủ các quy định tại quốc gia sở tại. 

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đều đi đến thống nhất về sự cần thiết của việc sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động quản lý quảng cáo trực tuyến. Các ý kiến đóng góp tập trung vào việc xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quảng cáo trực tuyến, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Theo đó, hành lang pháp lý về quảng cáo trực tuyến cần được xây dựng theo hướng minh bạch, rõ ràng, khả thi, phù hợp với bối cảnh Việt Nam đồng thời tương thích với thông lệ quốc tế. 

z5931843104837_4d625ad8d631b6f22fbaddade6fba3e6
Ông Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Giáo dục Văn phòng Quốc hội

Tổng kết tọa đàm, ông Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Giáo dục Văn phòng Quốc hội đánh giá cao các ý kiến, đóng góp của các đại biểu. Buổi tọa đàm là một bước tiến quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo, giúp ngành quảng cáo Việt Nam phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Các ý kiến đóng góp liên quan đến hoạt động quản lý quảng cáo trực tuyến sẽ được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và trình Quốc hội. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Dự kiến, Quốc hội sẽ chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào tháng 5/2025. 

Cùng chuyên mục