Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 23/09/2024, 15:22 (GMT+7)

Luật Quảng cáo sửa đổi được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành quảng cáo

Sáng mai (24/9), phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Luật Quảng cáo sửa đổi). Nếu dự thảo được thông qua, những vướng mắc trong hoạt động quảng cáo sẽ được tháo gỡ, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý vững chắc hơn cho ngành quảng cáo.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo 

Theo nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, năm 2024 là năm bản lề của ngành quảng cáo Việt Nam, là năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Luật Quảng cáo. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển bền vững của ngành quảng cáo trong bối cảnh kinh tế số và xu hướng toàn cầu hóa.

Thực tế, Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Qua thời gian, Luật Quảng cáo đã có những đóng góp quan trọng, đưa hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Cần thiết phải sửa đổi Luật Quảng cáo để phù hợp với tình hình của thực tiễn
Cần thiết phải sửa đổi Luật Quảng cáo để phù hợp với tình hình của thực tiễn.

Tuy nhiên, những quy định này sau 10 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và của nền kinh tế cả nước nói chung. Do đó, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Trong lần sửa đổi này, Luật Quảng cáo sửa đổi tiếp tục giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo.

Cụ thể, dự thảo bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.

Theo đó, dự thảo Luật được thông qua sẽ giải quyết những bất cập trong hoạt động quảng cáo hiện nay về việc quản lý nội dung, hình thức, phương tiện quảng cáo; quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời và quy hoạch quảng cáo tại các địa phương. 

Vai trò tích cực của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá được những mặt tích cực cũng như những mặt hạn chế, bất cập của Luật Quảng cáo 2012 cùng với việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Hiệp hội nhận thấy Dự thảo đã đề xuất, sửa đổi được nhiều điểm mới, sát với tình hình. Đáng chú ý, các đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo theo hướng tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp cũng cho thấy vai trò của Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực quảng cáo.

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.

Trên cơ sở phát huy vai trò của tổ chức ngành nghề, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có những ý kiến, đề xuất để chỉnh sửa Dự thảo.

Cụ thể, Hiệp hội đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung giao cho Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo “Xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo; sửa đổi, bổ sung về yêu cầu nội dung, điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính đối với các hình thức quảng cáo ngoài trời; đề nghị nghiên cứu bãi bỏ quy định hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo;...

Đánh giá về những đóng góp, đề xuất của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: "Ngay từ quá trình lập Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo và quá trình xây dựng Dự án Luật vừa qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã rất tích cực phối hợp, đồng hành với Cục Văn hóa Cơ sở trong việc tổ chức các cuộc Hội thảo tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật Quảng cáo hiện hành, tập hợp ý kiến hội viên để đưa ra những kiến nghị cụ thể, tích cực.

Đây là cơ sở để Ban soạn thảo có cái nhìn tổng thể nhằm cân bằng lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, từ đó có những nội dung sửa đổi, bổ sung tích cực, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo với vai trò là một ngành công nghiệp văn hóa. Các ý kiến góp ý của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các doanh nghiệp đã được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật."

Theo chương trình dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được họp cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng mai (24/9). 

Cùng chuyên mục