Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 23/09/2024, 13:48 (GMT+7)

Một số lưu ý tránh ngộ độc thực phẩm sau bão lũ

Những ngày qua, một số tỉnh phía Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 với mưa lớn kèm theo nước dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập lụt nghiêm trọng trong thời gian dài. Người dân cần "ăn chín, uống sôi" để giảm nguy cơ phát sinh bệnh tật và ngộ độc thực phẩm sau bão lũ.

Khi có mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Lũ lụt, ngập úng kéo dài và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, gây tình trạng ô nhiễm thực phẩm như ôi, thiu, mốc và sinh độc tố. Do đó, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong khi xảy ra bão cũng như ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ lụt là vô cùng quan trọng, theo báo Bắc Giang.

Sau bão lũ, người dân thường phải đối mặt với những nguy cơ bệnh tật như bệnh về da liễu (bao gồm nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân, mẩn ngứa; viêm da... với các biểu hiện như ngứa, sẩn, nổi mụn nước, loét (kẽ chân tay). Tiếp đến là các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Nhóm các bệnh phát sinh do virus truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ như sốt xuất huyết, sốt virus…

IMG_1529
Khi có mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

Nước lũ có thể bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật có hại, chất độc từ nước thải, động vật, chất thải nông nghiệp, công nghiệp và một số chất khác có thể gây bệnh. Bất kỳ thực phẩm, bao bì, bề mặt và dụng cụ nấu ăn nào tiếp xúc với nước lũ đều có thể bị ô nhiễm và không an toàn. Nguồn cung cấp nước cũng có thể không an toàn. Cũng có thể xảy ra tình trạng mất điện khi lũ lụt, điều này ảnh hưởng đến việc làm lạnh, bảo quản và nấu ăn thực phẩm.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khi mùa mưa bão, lũ lụt xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Nhất định phải thực hiện ăn chín, uống chín để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa mưa bão.

Một số lưu ý bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ lụt

Sau khi bão qua, lũ rút, người dân cần ăn uống đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn để phòng, chống dịch bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh, nguồn nước sử dụng sau khi hết ngập lụt theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo.

Để bảo đảm thực phẩm an toàn khi ăn, thực phẩm không bị nhiễm bẩn (tức là không tiếp xúc với nước lũ) và được bảo quản ở nhiệt độ an toàn, đặc biệt là đối với thực phẩm cần giữ lạnh.

Chỉ thực phẩm trong lọ hoặc hộp kim loại kín, chưa mở, không bị hư hỏng, chống nước, kín khí mới được coi là an toàn sau khi đã được vệ sinh và khử trùng trước khi sử dụng.

IMG_1530
Nước lũ có thể bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật có hại, chất độc từ nước thải, động vật, chất thải nông nghiệp, công nghiệp và một số chất khác có thể gây bệnh.

Nên vứt bỏ bất kỳ thực phẩm nào có thể không an toàn do đã tiếp xúc với nước lũ. Nước lũ bị ô nhiễm có thể đã xâm nhập vào thực phẩm, bao bì và thiết bị lưu trữ. Không nếm hoặc nấu thực phẩm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt - ngay cả thực phẩm trông hoặc có mùi an toàn cũng tiềm ẩn nguy hiểm.

Theo kinh nghiệm của người dân đã nhiều lần trải qua bão lũ, loại thực phẩm khá an toàn và có thể dự trữ lâu dài, dễ bảo quản và có thể “ăn liền” trong điều kiện mất điện hiếm nước- là bánh lương khô, gói ruốc (chà bông) thịt hoặc cá, mấy viên đạm tổng hợp, mấy viên kẹo gừng... được đóng gói trong 1 bao ni-lông dày, rất tiện dụng và đầy đủ dinh dưỡng. Khi bão lụt sắp xảy đến, mỗi người có thể mang theo một túi lương khô, khi cần dùng là có ngay.

Trong mùa mưa bão, trước tiên phải có đủ nước sạch để dùng. Nếu có điều kiện thì phải đun sôi hoặc dùng nước đóng chai, đóng hộp, nước đã khử trùng. Cố gắng ăn chín uống sôi trong điều kiện cho phép và nếu được thì nấu ăn gọn từng bữa, không để thức ăn lưu cữu. Rửa sạch tay trước và trong quá trình chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh.

Trong trường hợp bị cắt điện do mưa bão thì sau 4 giờ đồng hồ, các thực phẩm chứa trong tủ lạnh cần kiên quyết bỏ đi, cho dù chúng chưa “bốc mùi”. Đó là: Thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồ ăn nấu từ hôm trước cũng cần bỏ đi.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục