Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 30/08/2024, 11:45 (GMT+7)

Hơn 150 công nhân công ty Sunrise Apparel Việt Nam nghi ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo nóng

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam khiến hơn 150 công nhân phải nhập viện.

Lấy mẫu thức ăn điều tra nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm

Thông tin ban đầu, trước đó, ngày 28/8, sau khi công nhân ăn cơm trưa tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (tại Cụm công nghiệp Hoàng Xá, thuộc địa bàn xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), đã có 154 công nhân có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng, một số đi ngoài. Ngay sau đó, các công nhân này đã được đưa đến các cơ sở y tế gần đó để kiểm tra sức khỏe, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

Trong số công nhân phải nhập viện điều trị, 6 người có triệu trứng sốc phản vệ độ 2 như đau bụng, nôn, nổi mề đay toàn thân, khó thở nhẹ; 148 công nhân có triệu chứng nhẹ gồm đau bụng, buồn nôn.

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty THHH thương mại dịch vụ Hoàng Thủy (trụ sở tại Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, thực đơn bữa trưa ngày 28/8 gồm: Cá kho, rau bắp cải luộc, đậu sốt thịt và cơm trắng. Cũng trong ngày 28/8, công ty này cung cấp khoảng 3.000 suất ăn cho công nhân một số công ty trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Riêng công ty TNHH Sunrise tại Cụm công nghiệp Hoàng Xá là 825 suất ăn.

ngodoc
Các công nhân nghi ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, sau khi nhận được thông tin vụ việc về vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế, đồng thời thành lập đoàn điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Thanh Thủy tiến hành các bước điều tra vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định.

Theo đó, đoàn tiến hành điều tra, thu thập thông tin của bệnh nhân và người liên quan theo các biểu mẫu điều tra ngộ độc thực phẩm. Kết quả điều tra 132/152 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy và 3 trạm Y tế xã cho thấy: Có 71/132 bệnh nhân (53,8%) có đau đầu ; 69/132 (53,3%) có buồn nôn; 29/132 (22,0%) có nôn; 43/132 (32,6%) có ngứa (19/132 (14,4%) có nổi sẩn ngoài da); 37/132 (28,0%) có chóng mặt; 36/132 (27,3%) có đau bụng; 19/132 (14,4%) có đầy bụng; 15/132 (11,4%) có tiêu chảy; 12/132 (9,0%) có khó thở; 15/132 (11,4%) có run chân tay; 11/132 (8,3%) có cảm giác nóng người; 5/132 (3,8) có cảm giác tức ngực; 4/132 (3,0%) có tê môi.

Điều tra lấy mẫu bệnh phẩm, thức ăn lưu: Khi đoàn đến điều tra, tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam không lưu mẫu thức ăn tại doanh nghiệp; các thức ăn thừa và dụng cụ ăn uống tại nhà ăn của Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thuỷ đã thu dọn sạch sẽ ngay sau khi bữa ăn kết thúc. Vì vậy, đoàn điều tra đã lấy 4 mẫu bệnh phẩm là chất nôn của bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.

Kiểm tra nhà ăn của Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam: Nhà ăn sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát, ngăn ngừa được côn trùng và động vật gây hại, có đầy đủ bàn ghế ngồi bằng inox, thùng rác có nắp đậy kín, hệ thống bồn rửa tay, xà phòng đầy đủ, không có khăn lau tay. Tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thuỷ, cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ phối hợp với cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Công an huyện Thanh Thủy đã kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn và lấy 5 mẫu thức ăn lưu tại đây.

Đồng thời, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam tạm dừng việc sử dụng suất ăn của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thuỷ trong những ngày tới và có phương án bố trí ăn ca phù hợp cho người lao động đến khi có kết luận chính thức về vụ ngộ độc thực phẩm của các cơ quan chức năng.

Căn cứ các dấu hiệu lâm sàng và kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng nhận định sơ bộ, đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nhiều người mắc, nghi ngờ nguyên nhân do thức ăn, thực phẩm bị biến chất có chất gây độc.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đang tiếp tục điều tra hồi cứu đối với 20 bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ngộ độc nhẹ đủ điều kiện ra viện sớm. Tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia khẩn trương xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thuỷ; đồng thời tiến hành xử lý, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật sau khi có kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, đề nghị Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam tiếp tục theo dõi, phát hiện các trường hợp có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm và phối hợp với các cơ quan chức năng trong qua trình điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm.

Tính đến 16h ngày 29/8, chỉ còn 2 bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, dự kiến sẽ xuất viện trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về việc tổ chức điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.

Cùng đó, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; tạm đình chỉ hoạt động đơn vị cung cấp bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến...

Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?

Tại khoản 1 Điều 3 Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT giải thích về ngộ độc thực phẩm như sau: “Ngộ độc thực phẩm” là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Quy định về lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 5327/2003/QĐ-BYT cũng quy định: “Ngộ độc thực phẩm” là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn, uống thực phẩm có ô nhiễm vi sinh vật hay có chứa chất độc hại.

Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(3) Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại khoản 8 Điều 22 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm như sau:

Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 5 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 50 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng, nếu người vi phạm là tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 160 - 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 - 5 tháng; Buộc thu hồi thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Mặt khác, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017). Theo đó, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Mức phạt cụ thể sẽ do quyết định của Tòa án.

Cùng chuyên mục