Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 29/06/2024, 08:48 (GMT+7)

Hơn 120 công nhân nghi ngộ độc thực phẩm ở Hải Phòng, Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo khẩn

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong bữa ăn tại bếp tập thể của Công ty đóng tàu Sông Cấm trưa 27/6 khiến hàng trăm công nhân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Đây là đề nghị được đưa ra trong công văn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế Hải Phòng ngay khi cơ quan này nhận được báo cáo về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 27/6 tại Công ty CP đóng tàu Sông Cấm (thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng), trong đó có 127 người mắc và phải nhập viện để điều trị, Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế TP Hải Phòng khẩn trương chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.

Đồng thời, đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể nhà máy đóng tàu Sông Cấm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét xét nghiệm tìm nguyên nhân. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Sở Y tế TP Hải Phòng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Cùng đó, tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ. Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.

nhaan1
Nhà ăn của Công ty CP đóng tàu Sông Cấm - nơi các công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa. Ảnh: Internet.

Thông tin về vụ việc, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, đến 16h ngày 27/6, thống kê có 127 công nhân Công ty CP đóng tàu Sông Cấm (địa chỉ ở thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện An Dương) được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng và Trung tâm y tế huyện An Dương để điều trị và theo dõi sức khỏe.

Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tiếp nhận 69 người, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng tiếp nhận 30 người, Trung tâm Y tế huyện An Dương tiếp nhận 28 người. Ngoài ra, tại trụ sở của Công ty CP đóng tàu Sông Cấm có 51 công nhân có triệu chứng nhẹ (mẩn ngưa, đỏ mặt, đau đầu nhẹ...) được nằm theo dõi tại công ty. Đến 11h ngày 28/6, số công nhân hiện đang điều trị là 54 người.

“Theo điều tra, báo cáo nhanh của Công ty đóng tàu Sông Cấm chủ yếu các công nhân có triệu chứng trên đều dùng thực đơn ăn có món cá biển kho. Hiện sức khỏe các công nhân đang diễn biến ổn định”, báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng nêu.

Báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết, trước đó, tại bữa ăn trưa ngày 27/6 của Công ty CP đóng tàu Sông Cấm vào lúc 11h30, sau khoảng 30 - 40 phút thì có khoảng 100 công nhân có biểu hiện mẩn đỏ vùng mặt, người, đau đầu, một số ít trường hợp buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài.

Theo thông tin ban đầu, số xuất ăn là 795 xuất, chia làm 2 thực đơn. Trong đó, 400 suất với thực đơn gồm: Cá thu ngừ kho, chả lá lốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu); 395 suất ăn còn lại với thực đơn là: Thịt gà kho, lạc rang, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu. Đơn vị cung cấp bữa ăn là Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng (địa chỉ tại thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương huyện An Dương, TP Hải Phòng) là doanh nghiệp dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể), đại diện là bà Vũ Thị Hiền. Công ty đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 143/2024/ATTP-CNĐK ngày 13/6/2024.

Để vi phạm về an toàn thực phẩm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thông tin.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

nhaan2
Các công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Internet.

Bộ Y tế cũng lưu ý, đối với nội dung tuyên truyền về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Trong đó, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

Cùng với đó, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Đặc biệt, chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Bên cạnh đó, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân.

Mặt khác, tăng cường đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; song song đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Ở diễn biến liên quan, trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?

Tại khoản 1 Điều 3 Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT giải thích về ngộ độc thực phẩm như sau: “Ngộ độc thực phẩm” là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Quy định về lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 5327/2003/QĐ-BYT cũng quy định: “Ngộ độc thực phẩm” là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn, uống thực phẩm có ô nhiễm vi sinh vật hay có chứa chất độc hại.

Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(3) Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại khoản 8 Điều 22 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm như sau:

Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 5 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 50 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng, nếu người vi phạm là tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 160 - 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 - 5 tháng; Buộc thu hồi thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Mặt khác, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017). Theo đó, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Mức phạt cụ thể sẽ do quyết định của Tòa án.

Cùng chuyên mục