Thứ năm, 27/06/2024, 10:44 (GMT+7)

Quảng cáo, bán mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội

Nguyễn Thị Ngọc đặt mua khoảng 30 tấn mỹ phẩm giả từ Trung Quốc, thuê vận chuyển về Việt Nam, chia nhỏ, cất giấu tại nhiều nơi. Sau đó, Ngọc quảng cáo, chào bán hàng giả qua mạng xã hội trên các hội nhóm facebook, zalo cá nhân, thu lời bất chính.

Nhập 30 tấn mỹ phẩm giả về kinh doanh online

Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội vừa thông tin, ngày 26/6, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Ngọc (SN 1995; trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), Trần Văn Hưng, Trần Kế Thanh (cùng SN 1991, trú tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) về tội buôn bán hàng giả là mỹ phẩm (mỹ phẩm giả).

Công an TP Hà Nội cho biết, trước đó, ngày 17/6, Tổ công tác đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực ga Giáp Bát (thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), phát hiện Trần Văn Hưng và Trần Kế Thanh đang dừng đỗ xe ô tô biển kiểm soát 29D-226.37 có biểu hiệu nghi vấn.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe ô tô có chứa 422 sản phẩm gồm dầu gội, dầu xả, ủ tóc, dầu dưỡng tóc nhãn hiệu OLEXRS không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả.

hanggia
Số hàng hóa là mỹ phẩm giả bị cơ quan Công an phát hiện. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Đấu tranh khai thác tại chỗ, Trần Văn Hưng và Trần Kế Thanh khai nhận số hàng hóa trên là của Nguyễn Thị Ngọc giao cho Hưng và Thanh vận chuyển đi giao cho khách. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện nhà phân phối OLEXRS tại Việt Nam - Công ty TNHH thương mại Olexrs Hoàng Lâm xác nhận, toàn bộ số hàng hóa nhãn hiệu OLEXRS nêu trên là hàng giả, không phải hàng do chính hãng sản xuất, phân phối trên thị trường.

Căn cứ lời khai của các đối tượng, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở, địa điểm cất giấu hàng hóa có liên quan. Kết quả, lực lượng chức năng tạm giữ 1.247 thùng catton bên trong có chứa các sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, ủ tóc, dầu dưỡng tóc nhãn hiệu OLEXRS, TIGI, VOUDIOTY, BATIUS (tương đương khoảng 30 tấn hàng hóa), do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, nghi là hàng giả, cùng nhiều sổ sách, tài liệu ghi chép liên quan đến việc mua bán hàng giả.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã giám định 5.270 sản phẩm dầu gội, dầu xả, ủ tóc dầu dưỡng nhãn hiệu OLEXRS thu giữ trong quá trình kiểm tra, khám xét khẩn cấp, xác định toàn bộ số sản phẩm này là hàng giả. Số hàng tương đương giá trị hàng thật là gần 600 triệu đồng.

Mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội xác định, số hàng giả được đặt mua từ Trung Quốc, thuê vận chuyển về Việt Nam. Sau đó, hàng hóa được chia nhỏ cất giấu ở nhiều địa điểm, xa khu dân cư, thậm chí là nhà ở tại nhiều tỉnh, thành khác nhau tại Hà Nội và Hưng Yên, sau đó, giao cho khách có nhu cầu tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Các đối tượng thường xuyên đăng quảng cáo, chào bán mỹ phẩm giả qua mạng xã hội trên các hội nhóm facebook, zalo cá nhân, thu lời bất chính.

Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng.

Buôn bán mỹ phẩm giả bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016;

Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

Ngoài ra, hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn: Giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Về hình thức xử phạt, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, người có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây: Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Cùng đó, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định. Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Còn tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP có quy định, cá nhân có hành vi buôn bán mỹ phẩm giả sẽ bị phạt tiền từ 2 - 140 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Trong khi đó, người nào buôn bán hàng giả mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Cùng chuyên mục