Tràn lan hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, chế tài kiểm soát thế nào?
Các mặt hàng từ quần áo, mỹ phẩm, cho đến nước hoa, bút bi… đều có thể bị giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng hoạt động kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn tràn lan trên thị trường.
Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi
Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thông tin, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng phát hiện, thu giữ gần 164.000 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng gần 10.000 kg phụ kiện thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, ngày 6/6, các lực lượng chức năng hai tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra kho hàng có địa chỉ tại thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên do ông Trần Xuân Hà (sinh 1980, tại Bắc Ninh) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử các loại và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử các nhãn hiệu, như: FLUM PEBBLE 6000, MIOU 18.000, BAR9K, LOST MARY, GEEK BAR, LOST VAPE 7500, VAPOR STORM cùng tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử.
Tiếp tục kiểm tra tại kho hàng, cơ quan chức năng cho hay, toàn bộ số hàng hóa nêu trên có nhãn, bao bì hàng hóa thể hiện thông tin bằng chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Chủ kho hàng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ lô hàng trên.
Cũng trong ngày 6/6, kiểm tra đột xuất cở sở kinh doanh có địa chỉ tại thôn Hỗ Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phì, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Đội QLTT số 9 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang phát hiện và tạm giữ 51.156 sản phẩm bột giặt, dầu gội đầu, nước xả vải gắn các nhãn hiệu OMO, Sunsilk, Clear, Dove, Lifebuoy, Comfort có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm cùng loại đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Tương tự, ngày 28/5, lực lượng QLTT TP Hà Nội phát hiện, xử lý đối với tài khoản mạng xã hội Zalo “Kho gia dụng Vũ Minh” và gian hàng “Bún Xinh” trên sàn thương mại điện tử Shopee, khi giới thiệu hình ảnh, bán sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu bút bi Thiên Long.
Mở rộng điều tra, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, phát hiện, tạm giữ 5.635 sản phẩm bút bi, bút chì giả mạo nhãn hiệu Thiên Long đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngay sau đó, cơ sở kinh doanh đã bị lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (cụ thể nội dung về địa điểm kinh doanh) với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP).
Tiếp đến, ngày 9/5, lực lượng QLTT tỉnh Bến Tre kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh H.A.T có 8.905 đơn vị sản phẩm vi phạm, gồm: 719 áo thun giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng (GUCCI, BURBERRY); 105 bộ áo khoác và nón không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 8.081 sản phẩm nước hoa, nước xịt thơm miệng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh này số tiền trên 183 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 500 triệu đồng.
Gần nhất, báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 TPHCM cho thấy, trong năm 2023, cơ quan chức năng TPHCM đã kiểm tra 20.776 vụ buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại; trong đó phát hiện, bắt giữ 4.322 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, 15.097 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 1.357 vụ vi phạm về hàng giả.
Đơn cử, thông tin trên báo chí, ngày 7/6, Công ty TNHH MTV Hapian (phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 36.606 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng, tinh dầu, thuốc lá điện tử, thiết bị sản xuất thực phẩm chức năng. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 54.450 đơn vị sản phẩm tinh dầu, 4.141 thùng tinh dầu, 1.102 hộp thực phẩm chức năng, 367kg tem giả, máy dán tem, máy đóng hạn sử dụng… Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 70 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 12/2023, lực lượng chức năng TPHCM cũng phát hiện gần 25.000 đơn vị sản phẩm nước hoa giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Gucci... tại quận 12. Toàn bộ lô hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ mua bán cũng như nguồn gốc sản phẩm. Ước tính lô hàng trị giá gần 1,2 tỷ đồng…
Chế tài xử lý còn thiếu và chưa đủ mạnh
Mới đây, ngày 4/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại hàng gian, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ bộ, ngành đến địa phương, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Trong đó, các sàn thương mại điện tử ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; thể hiện quyết tâm và cam kết tích cực phối hợp với ngành công thương trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cụ thể, đăng tải những logo nói không với hàng giả trên các sàn; xây dựng đăng tải trên trang chủ website về quy trình tiếp nhận, xử lý, phản ánh khiếu nại về hàng giả để triển khai các biện pháp kỹ thuật, bộ lọc từ khóa nhằm để ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm trên website, ứng dụng…
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh.
Do vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trong quý 3 năm nay.
Về giải pháp chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho hay, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử...
Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như sau: Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, người có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 250 triệu đồng. Cùng đó, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 500 triệu đồng.
Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trong đó, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng và mức cao nhất là 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định này). Còn đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức xử phạt cũng tương tự hành vi buôn bán nêu trên (Điều 12 Nghị định này).
Cùng đó, phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
Ngoài ra, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự) hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự).