Thứ hai, 10/06/2024, 07:41 (GMT+7)

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Samsung, Apple: Quy định xử lý ra sao?

Khoảng 2.000 máy tính bảng, điện thoại di động có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Samsung, Apple, và lượng lớn thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo... chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ.

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa phối hợp với lực lượng công an phát hiện một kho hàng iPhone, máy tính bảng “khủng” không rõ nguồn gốc xuất xứ, chuyên bán trên nền tảng thương mại điện tử.

hang nhai
Kho hàng “khủng” chứa sản phẩm thương hiệu Apple chưa rõ nguồn gốc.

Kho hàng được phát hiện tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Đoàn kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường và công an đã phát hiện và ghi nhận khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại iPhone và các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo… do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định... Kho hàng này được đăng ký tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, do ông Nguyễn Ngọc Cương làm Giám đốc.

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát bên cạnh sản phẩm hàng hóa là điện thoại iPhone, ipad của thương hiệu Apple, Samsung, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

hangnhai2
Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường.

Các sản phẩm hàng hóa trong kho hàng có dấu hiệu vi phạm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Hàng hóa tại kho hàng được chủ hàng bán trên các sàn thương mại điện tử. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ về vụ việc.

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những hàng hóa nào?

Điều 213, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu, cụ thể: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó. Việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 45 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.

Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

Bên cạnh đó, theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ có quy định: Hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các hàng hóa có chứa yếu tố xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bản dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và giống cây trồng.

Trong khi đó, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử lý như thế nào?

Về hình thức xử phạt, căn cứ Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như sau: Phạt tiền từ 4 – 8 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, người có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị xử phạt cao nhất từ 180 – 250 triệu đồng. Cùng đó, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, theo đó mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 96 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định về biện pháp xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định, đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

Phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 97 của Nghị định này; tiêu hủy theo quy định tại Điều 98 của Nghị định này;

Buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Mặt khác, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ: Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50.000.000 đồng căn cứ vào giá trị của hàng hóa vi phạm; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện... Đối với tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục