Quảng cáo mỹ phẩm không phép, Công ty San Mira và loạt doanh nghiệp bị 'tuýt còi'
Quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, Công ty CP San Mira bị xử phạt 45 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng.
Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 27/5 - 31/5/2024) với tổng số tiền xử phạt là hơn 124,3 triệu đồng, thông tin trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Theo danh sách này, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định xử phạt đối với Công ty CP San Mira (B4X3 Khu đô thị Mỹ Đình 1, ngõ 44/33 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Với hành vi trên, Công ty CP San Mira bị xử phạt 45 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng.
Tương tự, cũng với hành vi vi phạm quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, Công ty CP đầu tư xây dựng Samy (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 45 triệu đồng, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng.
Tiếp đến, Công ty CP dược phẩm dinh dưỡng Miền Bắc Hasovi (thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) bị xử phạt hơn 8,3 triệu đồng do kinh doanh hàng hóa (sản phẩm thực phẩm bổ sung COLOSTRUM SAMILAIT GAIN 4) trên nhãn có hình ảnh, chữ viết (dinh dưỡng cho người gầy cần tăng cân) không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã kinh doanh hơn 5 triệu đồng; tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã kinh doanh và không thu hồi được là hơn 3,3 triệu đồng).
Ngoài bị phạt tiền, Công ty CP dược phẩm dinh dưỡng Miền Bắc Hasovi còn bị buộc thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung COLOSTRUM SAMILAIT GAIN 4 và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết (dinh dưỡng cho người gầy cần tăng cân) không đúng bản chất, không đúng sự thật về sản phẩm thực phẩm bổ sung COLOSTRUM SAMILAIT GAIN 4; buộc nộp lại số tiền hơn 3,3 triệu đồng bằng trị giá tang vật (24 hộp sản phẩm thực phẩm bổ sung COLOSTRUM SAMILAIT GAIN 4 loại 900g/lon) đã bị tiêu thụ.
Thêm nữa, 5 cơ sở bán lẻ thuốc cùng bị xử phạt mức 2 triệu đồng do cùng mắc lỗi không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật. Đó là quầy thuốc Phú Thị 1 (số 39 đường Phú Thị, thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm); nhà thuốc Hưng Nhung (số 37 Sài Đồng, phường Sài Đồng, quận Long Biên); nhà thuốc Tuấn Anh (số 47 phố Tư Đình, tổ 9, phường Long Biên, quận Long Biên); nhà thuốc Thu Hà (số 143 ngõ 56 tổ 1 Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên); quầy thuốc Tuấn Hạnh (số 75 Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật, quầy thuốc Linh Phượng (số 20 ngõ 304 Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) và quầy thuốc Thanh Hiền (số 257 đường Ỷ Lan, thôn Kim Âu, Đặng Xá, huyện Gia Lâm) cùng bị xử phạt mức 4 triệu đồng…
Điều kiện để được quảng cáo mỹ phẩm ra sao?
Quảng cáo mỹ phẩm được giải thích tại khoản 21 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT thì quảng cáo mỹ phẩm là các hoạt động giới thiệu, quảng bá mỹ phẩm nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, bán, sử dụng mỹ phẩm.
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 09/2015/TT-BYT quy định về điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm có quy định, mỹ phẩm phải đủ điều kiện quảng cáo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 của Luật Quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế...
Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Theo đó, nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu gồm: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
Cùng đó, quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung gồm: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.
Đồng thời, không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác; tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.
Quảng cáo sai sự thật bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo, thì quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.
Cùng đó, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và phải buộc cải chính thông tin, xin lỗi đối với hành vi vi phạm của mình theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì phải chịu mức phạt gấp hai lần số tiền phạt đối với cá nhân (căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP).
Mặt khác, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội quảng cáo gian dối. Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.