Tràn lan các hội nhóm quảng cáo dạy đầu tư vàng online, cẩn thận 'ôm trái đắng'
Thời gian qua, giá vàng liên tục có những đợt biến động lớn và tạo nên cơn sốt. Lợi dụng điều này, trên mạng xã hội nhiều đối tượng đã giăng bẫy liên quan đến đầu tư vàng online, với những chiêu quảng cáo mang lại lợi nhuận “khủng”, để lừa đảo người dân.
Nhận diện chiêu trò dụ lừa đầu tư vàng ảo
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều người dân bỗng dưng nhận được lời mời đầu tư vàng online với lãi suất vô cùng hấp dẫn. Lợi dụng sự lan tỏa của mạng xã hội, các đối tượng này đã lập ra các hội nhóm, giới thiệu mình là chuyên gia nhằm dụ dỗ người tham gia.
Hàng chục diễn đàn “giá vàng, buôn bán vàng, giao lưu vàng miếng, giao lưu vàng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian…” xuất hiện trên diễn đàn mạng xã hội. Tại đây, vàng được rao bán rẻ hơn so với giá vàng niêm yết tại các cửa hàng uy tín. Với nhiều hình thức giao dịch như trả góp, mua chung hay trao đổi bằng loại vàng khác nhau.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra 3 cái bẫy để dụ lừa người đầu tư như: Kêu gọi góp vốn mua chung vàng; kêu gọi mua vàng có giá thấp hơn giá thị trường và trao đổi các loại vàng. Sau lời kêu gọi trao đổi, những đối tượng này còn mở cả các phòng Zoom trực tuyến để hướng dẫn cách đầu tư và tiềm năng lợi nhuận với hình thức đầu tư vàng online trên mạng xã hội này đem lại.
Để nhà đầu tư yên tâm hơn, những đối tượng này sẽ mời nạn nhân vào những nhóm chat chung có nhiều người đang có ý định mua vàng qua các app và mạng xã hội. Thực chất trong nhóm này có rất nhiều kẻ lừa đảo núp bóng nhà đầu tư và đưa ra những thông tin ảo nhằm dụ người đầu tư.
Cùng với đó, để tạo niềm tin, các đối tượng đăng nhiều bài phân tích, đánh giá thị trường vàng như một chuyên gia đích thực. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng không quên đăng tải những lợi nhuận khủng mà người tham gia có thể thu về. Chính những chiêu bài này mà không ít người đã tham gia vào các hội nhóm, thậm chí còn làm theo hướng dẫn để đầu tư vàng, dẫn đến mất tiền.
Ông Nguyễn Văn T, một nạn nhân cho biết, nếu như trước kia, các đối tượng thường tiếp xúc bằng việc tư vấn, gọi điện nhưng nay cách thức, thủ đoạn đã thay đổi. Theo đó, các đối tượng lập ra những tài khoản ảo, trong đó có các hoạt động tương tác, có những hội nhóm, hình ảnh quảng cáo, PR cho hình ảnh của họ như các kỳ nghỉ, xe sang, tiêu tiền tỷ để đánh bóng.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị lừa khi tham gia đầu tư vàng trực tuyến. Thời gian qua, cơ quan Công an đã liên tục phát đi thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính online, tuy nhiên vẫn còn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy. Đơn cử, đầu tháng 2/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội tiếp nhận trình báo của người dân về việc tham gia ứng dụng đầu tư vàng SoonTransfer5, bị chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng.
Nạn nhân cho biết, có nhận được điện thoại của đối tượng xưng là nhân viên của công ty chứng khoán và muốn anh vào nhóm để học hỏi và hỗ trợ thông tin về chứng khoán. Sau khi tham gia nhóm Zalo và được một vài “người thầy” cung cấp thông tin về thị trường chứng khoán, định hướng nạn nhân tham gia thị trường vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao hơn và tải ứng dụng Soon Transfer5 để tham gia đầu tư.
Trong vòng 2 ngày, nạn nhân đã chuyển 1,2 tỷ đồng đầu tư và rút ra được 600 triệu đồng mà các đối tượng nói rằng đó là “lợi nhuận” trong 7 lần rút. Đến lần thứ 8, nạn nhân không rút được. Lúc này, các đối tượng thông báo nạn nhân cần “nâng cấp gói VIP 3 tháng”, “hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư”, “gỡ bỏ chế độ an toàn”… Nạn nhân đã chuyển cho các đối tượng 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nạn nhân không rút được tiền và nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, thời điểm cuối năm 2023, tại Hà Nội cũng đã có nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức tương tự. Theo Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, anh N.V.P (sinh năm 1984, quê Hải Dương) nhận được lời mời tham gia đầu tư thị trường vàng quốc tế thông qua ứng dụng IG VIP với mức lãi "khủng". Anh P đã chuyển khoản 100 triệu đồng để đầu tư. Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh rút tiền thì anh P được thông báo không rút được, phải đăng ký gói mới. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh P đã đến Công an quận Nam Từ Liêm trình báo sự việc.
Hay, trong tháng 9/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội tiếp nhận trình báo của chị P (trú tại Hà Nội). Theo đơn trình báo, chị P cho biết được các đối tượng cho vào nhóm Zalo “Mua bán vàng - dầu”. Các đối tượng giới thiệu đây là nhóm giao lưu và hỗ trợ anh em “mua bán vàng dầu các cặp ngoại tệ online; kiếm lợi nhuận trên sự chênh lệch tỷ giá”.
Trong nhóm này có nhiều “cò mồi” xác nhận đã thu được lợi nhuận và rút được tiền đúng như giới thiệu ban đầu. Nhận thấy đầy là thủ đoạn giống với các hình thức lừa đảo đã được tuyên truyền cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nên chị P đã rời khỏi nhóm Zalo lừa đảo trên tránh để “mất tiền”.
Tránh “bẫy” lừa đầu tư vàng online, cơ quan chức năng khuyến cáo gì?
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu “tìm kiếm lợi nhuận online”, xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng đầu tư tài chính, là nền tảng hỗ trợ những nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh chóng. Theo cảnh báo của Công an TP Hà Nội, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính như: MKB, Carlyle, DF, các quỹ đầu tư vàng, dầu thô, chứng khoán… Việc tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính online tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an TP Hà Nội cảnh báo, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không làm theo những hướng dẫn, “dẫn dụ”, “mời chào” của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram,... không xác thực danh tính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Ngoài ra, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng khuyến cáo người dân, việc đầu tư vàng trên không gian mạng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, hoàn toàn có thể chọn một đơn vị cung cấp lớn để mua vàng đầu tư thay vì phải đưa tiền cho một đối tượng không quen biết trên không gian mạng đầu tư hộ hoặc mua qua một sàn vàng ảo mà không biết được sàn đấy được cơ quan Nhà nước cấp phép hay chưa và đã được hoạt động hay chưa.
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng. Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP thì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.