Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 31/05/2024, 16:05 (GMT+7)

Trước Inverse Media, những doanh nghiệp nào bị phạt do đặt quảng cáo vào kênh Youtube vi phạm pháp luật?

Công ty TNHH Inverse Media bị xử phạt 15 triệu đồng do đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sữa Milo) vào kênh YouTube Tin nóng 247 ngày 4/1/2024 có nội dung vi phạm pháp luật.

Nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung xấu, độc

Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Inverse Media (có trụ sở chính tại số 118/1 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM) do có quảng cáo vi phạm pháp luật, theo Cổng thông tin điện tử Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Theo đó, Công ty TNHH Inverse Media bị xử phạt 15 triệu đồng do vi phạm hành chính đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sữa Milo) vào kênh mạng xã hội YouTube Tin nóng 247 ngày 4/1/2024 có nội dung vi phạm pháp luật (xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam), được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; quy định tại khoản 2a Điều 38 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 13 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH Inverse Media buộc phải tháo gỡ toàn bộ quảng cáo trên kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm.

ttxau
Ảnh minh họa.

Ngoài Công ty TNHH Inverse Media, trước đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã thực hiện xử phạt hành chính đối với nhiều cá nhân, tổ chức với hành vi vi phạm tương tự. Đơn cử, ngày 17/4, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.

Cụ thể, Công ty WPP đã có có hành vi cài đặt sản phẩm quảng cáo của 2 nhãn hàng vào nội dung phim “Flight to you” (Hướng gió mà đi) phát trên mạng xã hội Youtube, trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Cùng đó, Công ty WPP cũng thực hiện quảng cáo 3 sản phẩm mỹ  phẩm trên nền tảng mạng xã hội Youtube mà không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Với các hành vi vi phạm trên, Công ty WPP bị xử phạt 55 triệu đồng, đồng thời bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.   

Trước đó, trong năm 2023, Công ty WPP đã 3 lần bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt vi phạm kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Cụ thể, hồi tháng 11/2023, Công ty WPP bị phạt 35 triệu đồng vì có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vào kênh mạng xã hội Youtube có nội dung vi phạm pháp luật. Ở 2 lần trước đó, doanh nghiệp này bị xử phạt vi phạm hành chính do đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật trên kênh mạng xã hội Youtube.

Kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật, quy định xử phạt sao?

Theo quy định của Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; đồng thời không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cùng đó, căn cứ khoản 5 Điều 13 Nghị định số 181/2013/ND-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/ND-CP) cũng quy định, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao tiếp hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm bao tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) có quyền và nghĩa: Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong khi đó, tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật Quảng cáo 2012 quy định, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nghĩa vụ “chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện”.

Về hình thức xử phạt, pháp luật cũng xác định mức phạt nếu vi phạm. Theo quy định tại khoản 2a Điều 38 Nghị định số 38/2021/ND-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 129/2021/ND-CP), hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc tháo gỡ quảng cáo đối với hành vi vi phạm.

Lưu ý, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP) quy định, mức phạt tiền theo quy định nêu trên là mức phạt tiền đối tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm tương tự có mức phạt bằng 1/2 của tổ chức.

Cùng chuyên mục