Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 29/05/2024, 13:36 (GMT+7)

Quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh: Không biết những quy định sau dễ bị phạt rất nặng

Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem là dịch vụ đặc biệt, do đó quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ được phép thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Những nội dung quảng cáo khám chữa bệnh cần có

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung sau đây: Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động; Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.

Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền bằng văn bản.

quang-cao-kham-chua-benh
Ảnh minh họa

Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định 181/2013/NĐ-CP (trừ quảng cáo thức ăn chăn nuôi) chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định.

Hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Căn cứ quy định tại Điều 19 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 09/2015/TT-BYT; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;

Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo: Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;

Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;

Nếu quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện: Ngoài các tài liệu quy định tại điểm này phải có các tài liệu: mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày/tháng/năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên (Báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn, trình độ phù hợp với lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo... Đối với quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn về y phù hợp).

Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.

Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;

Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3 hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.

Xử phạt vi phạm quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh

Căn cứ Điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh như sau:

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi;  Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

Cùng chuyên mục