Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 24/06/2024, 15:15 (GMT+7)

Kinh doanh mỹ phẩm không đạt chuẩn, Xuất nhập khẩu KAVR bị phạt nặng

Kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được phê duyệt, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 75 triệu đồng.

Phạt tiền, buộc tiêu huỷ 8 sản phẩm nước hoa không đạt chuẩn

Mới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thông tin, Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR (địa chỉ trụ sở chính tại 30/9C đường số 19, khu phố 9, phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, TPHCM). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là ông Trần Văn Hội.

Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế xác định, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR đã thực hiện hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được phê duyệt, vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 71 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Với hành vi vi phạm này, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR bị xử phạt 75 triệu đồng.

nuochoa
Một trong số 8 sản phẩm nước hoa bị thu hồi của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, tình tiết tăng nặng trong lần xử phạt này là công ty có 8 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm thuộc cùng một hành vi vi phạm và được phát hiện trong cùng một lần kiểm tra. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà công ty không nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Y tế cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR là thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm.

Cụ thể, 8 sản phẩm mỹ phẩm là nước hoa bị thu hồi của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR gồm: Roja Parfums Amber Aoud Parfum; Roja Parfums Diaghilev Parfum; Histoies De Parfums Ceci N’est Pas Un Flacon Bleu - This Is Not A Blue Bottle 1/.6 Eau De Parfum; Histoies De Parfums 1740 Eau de Parfum; Histoies De Parfums 1804 Eau de Parfum; Liquides Imaginaires Navis Eau De Parfum; Liquides Imaginaires Bello Rabelo Eau de Parfum; Liquides Imaginaires Ile Pourpre Eau de Parfum.

Liên quan đến 8 sản phẩm mỹ phẩm này, vào cuối tháng 5/2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành liên tiếp 2 quyết định gồm thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm có thành phần ghi trên nhãn không đúng với phiếu công bố đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR.

Trong một diễn biến khác, trước đó, vào tháng 7/2023, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KAVR số tiền 17,5 triệu đồng do thực hiện hành vi nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM buộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KARV phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật. Hàng hoá vi phạm của KAVR cũng bị buộc thu hồi và ghi nhãn hàng hoá đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.

Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi trong trường hợp nào?

Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm như sau: Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư số 06/2011/TT-BYT, cá nhân lập phiếu công bố sản phẩm phải liệt kê thành phần công thức trong sản phẩm mỹ phẩm như sau: Thành phần có trong công thức sản phẩm phải được ghi đầy đủ theo thứ tự hàm lượng giảm dần. Các thành phần nước hoa, chất tạo hương và các nguyên liệu của chúng có thể viết dưới dạng “hương liệu” (perfume, fragrance, flavour, aroma). Những thành phần với hàm lượng nhỏ hơn 1% có thể liệt kê theo bất kỳ thứ tự nào sau các thành phần có hàm lượng lớn hơn 1%.

Các chất màu có thể được ghi theo bất cứ thứ tự nào sau các thành phần khác theo chỉ dẫn màu (CI) hoặc theo tên như trong Phụ lục IV (Annex IV) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Những sản phẩm mỹ phẩm dùng để trang điểm, dưới dạng các màu khác nhau có thể liệt kê tất cả các chất màu trong mục “có thể chứa” hoặc “+/-”.

Khoản 1 Điều 46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT quy định, thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong các trường hợp bao gồm: Mỹ phẩm lưu thông có 2 lô không đạt chất lượng do cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng mỹ phẩm kết luận; mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố; mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch nguồn gốc, xuất xứ; mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm; mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng; mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, các chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;

Cùng đó là mỹ phẩm bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc mạo nhãn của sản phẩm khác đã được phép lưu hành; mỹ phẩm bị cấm lưu hành ở nước sở tại; tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường có văn bản đề nghị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; giả mạo tài liệu, sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký, dấu của cơ quan chức năng Việt Nam hoặc nước ngoài, của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm; kê khai không trung thực các nội dung trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Trong khi đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP) xử phạt vi phạm quy định về mua bán mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường nếu thực hiện hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi: Kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật; kinh doanh mỹ phẩm không có hoặc không xuất trình hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) trong thời hạn theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; không thực hiện thu hồi mỹ phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, cơ sở vi phạm còn bị buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm và bị kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cùng chuyên mục