Thứ bảy, 24/08/2024, 08:00 (GMT+7)

Sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, Hà Nội đề nghị người tiêu dùng tẩy chay

Thành ủy Hà Nội đề nghị người tiêu dùng lên án, tẩy chay các hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội vẫn còn có hạn chế.

Vi phạm vẫn diễn biến phức tạp

Tết Trung thu năm 2024 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu có xu hướng tăng lên. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn một số tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng. Liên tiếp trong thời gian vừa qua, tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ hàng nghìn bánh trung thu nghi nhập lậu.

Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 thuộc Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh bánh kẹo (địa chỉ tại số 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hoá là bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm 240 bánh trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài cùng 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói, nhãn bằng chữ nước ngoài đã bị lực lượng chức năng thu giữ để xử lý theo quy định.

IMG_20240814_102109
Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh trung thu có dấu hiệu nhập lậu tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại xã La Phù, huyện Hoài Đức ngày 13/8.

Tương tự, ngày 20/8, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành khám 26 thùng cát-tông chứa bánh trung thu tại địa chỉ số 338 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Lô hàng thuộc sở hữu của ông T.V.T, sinh năm 1992. Kết quả kiểm tra, tổ công tác đã thu giữ tổng cộng 2.496 chiếc bánh trung thu, chủ hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Hiện tại vụ việc đang tiếp tục xác minh để xử lý.

Trước đó, ngày 16/8, Đội QLTT số 5 cũng phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành khám 20 thùng cát-tông chứa bánh trung thu của ông N.Q.H tại địa chỉ đầu ngõ 7 phố Tây Kết, quận Hai Bà Trưng. Kết quả kiểm tra, đã thu giữ 900 chiếc bánh trung thu các loại là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp kèm theo là hàng hóa nhập lậu.

Mới nhất, ngày 22/8, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại số 47 ngõ 10, đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 1.408 chiếc bánh trung thu và 1.210 bao thuốc lá điếu (1 bao = 20 điếu). Toàn bộ số bánh trung thu và thuốc lá điếu trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá. Đội QLTT số 11 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật…

Người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế như: Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm tại Thủ đô vẫn chưa đầy đủ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng...

Đặc biệt, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bị ô nhiễm vẫn còn phổ biến. Ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm diễn biến phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Trước thực tế trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền... tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, từng giai đoạn của địa phương.

Đáng chú ý, chỉ thị của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách.

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…

Cùng chuyên mục