Liên tiếp phát hiện cơ sở bán bánh nướng nghi nhập lậu ở Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo gì?
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa phối hợp phát hiện và tạm giữ trên 700 chiếc bánh Trung thu nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không rõ chất lượng.
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, theo Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Cụ thể, ngày 7/8, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa (địa chỉ tại số 4 Đặng Dung, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh Trung thu (bánh nướng), 50gr/chiếc, do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Trước đó, ngày 6/8, đoàn kiểm tra liên ngành cũng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại địa chỉ số 115, Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm của cả 2 vụ việc trên đều đã được cơ quan chức năng tạm giữ để xử lý theo quy định.
Tập trung ưu tiên kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có những chỉ đạo về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Văn phòng UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, các đơn vị, địa phương tập trung ưu tiên thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Cùng với đó, các đơn vị kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu các cơ sở có dấu hiệu vi phạm hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.
Mặt khác, các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Nội dung tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, thời gian triển khai từ ngày 5/8 đến 20/9/2024 tại 30 quận, huyện, thị xã. UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.
Cách lựa chọn bánh trung thu
Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản; sử dụng thực phẩm, phụ gia có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định). Nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Cách bảo quản để được tối đa hạn dùng mà bánh không bị hỏng?
Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Theo khuyến cáo của chuyên gia Cục An toàn thực phẩm, đối với bánh mua sẵn, nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế) thì các loại bánh trung thu thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng. Thông tin này cũng được in trên bao bì sản phẩm.
Đối với bánh trung thu tự làm (handmade), vì không sử dụng chất bảo quản nên bánh trung thu tự làm (handmade) thường chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa 7 ngày. Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo chỉ là 4 ngày.
Cũng theo chuyên gia Cục An toàn thực phẩm, cách bảo quản các loại bánh trung thu được lâu nhất đối với các loại bánh như sau: Đối với bảo quản bánh trung thu nướng, cần để bánh nguội hoàn toàn rồi tiến hành đóng gói kín bánh trung thu vào hộp hoặc túi. Trang bị kèm gói hạt chống ẩm để đảm bảo độ ẩm không khí không thể tiếp xúc với bánh. Lưu ý, bánh trung thu nướng chỉ có thể sử dụng tối đa trong vòng 7 ngày kể từ ngày sản xuất. Để đảm bảo hương vị bánh trung thu nướng đạt độ thơm ngon nhất, hãy sử dụng trong vòng từ 3 – 5 ngày.
Bên cạnh đó, đối với bảo quản bánh trung thu dẻo: Có thể tiến hành đóng túi, hộp kín bảo quản bánh trung thu dẻo ngay sau khi bánh ra lò, trang bị thêm cho bánh túi hạt chống ẩm để kéo dài thời gian bảo quản. Tương tự, bánh trung thu dẻo thường sẽ hết hạn sau 4 ngày kể từ ngày sản xuất, vì vậy muốn kéo dài thời gian bảo quản, hãy lưu trữ bánh trong tủ lạnh, tuy nhiên với nhiệt độ thấp trong môi trường tủ lạnh, hãy đảm bảo bánh được bọc kín, kèm túi hút ẩm để vỏ bánh hạn chế bị khô, cứng. Trước khi thưởng thức bánh hãy đem hâm nóng bánh bằng lò vi sóng.
Bảo quản bánh trung thu kem lạnh: Với đặc trưng “kem lạnh” loại bánh trung thu này cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và nên đóng hộp hoặc đóng túi kín cho mỗi chiếc bánh. Thời gian tối đa trong vòng 4 ngày kể từ ngày sản xuất. Nếu ở nhiệt độ thường, bánh trung thu kem lạnh chỉ có thể giữ nguyên hương vị và hình khối trong vòng từ 1 – 2 tiếng.
Tương tự, bảo quản bánh trung thu rau câu: Bánh trung thu rau câu có thể được giữ nguyên hương vị và khuôn bánh với nền nhiệt từ 2 – 4 độ C, vì thế cần bảo quản loại bánh này trong ngăn mát tủ lạnh. Với nhiệt độ thường, không nên để bánh quá 4 tiếng.
Dấu hiệu nhận biết bánh trung thu bị hỏng, mốc
Theo chuyên gia Cục An toàn thực phẩm, bánh trung thu bị hư hoặc mốc có thể là kết quả của sự thâm nhập từ độ ẩm không khí đến bánh. Độ ẩm cao sẽ sinh sôi vi khuẩn từ đó khiến bánh bị hỏng, mốc.
Ngoài ra, việc bảo quản bánh sai cách hoặc thời gian bảo quản bánh quá lâu cũng là một trong những nguyên nhân gây mốc bánh trung thu. Bánh cần được bọc kín trong hộp, để ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh tiếp xúc với không khí để có thể giữ nguyên hương vị lâu nhất có thể.
Một số dấu hiệu nhận biết bánh trung thu bị hỏng, mốc như: Màu sắc vỏ bánh, nhân bánh bị thay đổi (nhợt nhạt, xuất hiện vệt nấm mốc...); bánh phát ra mùi hôi, chua khó chịu; bề mặt bánh nhờn, vỏ bánh bị biến chất thành mềm nhũn bất thường; cảm nhận được vị lạ khi ăn bánh trung thu, hãy kiểm tra lại vì rất có thể bánh đã bị hỏng, mốc…
Bánh trung thu sẽ dễ bị hỏng nếu để quá lâu ở nhiệt độ thường từ >25 độ C. Mức nhiệt này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và dễ dàng xâm nhập vào bánh, dễ gây hỏng và mốc bánh...
- Bánh trung thu lậu số lượng lớn đổ về thị trường Việt Nam
- Bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc vẫn nổi cộm
- Bánh trung thu đại hạ giá 'khuấy đảo' các con phố lớn ở Hà Nội