Thứ hai, 09/10/2023, 11:34 (GMT+7)

Bánh trung thu đại hạ giá 'khuấy đảo' các con phố lớn ở Hà Nội

Biên Thùy (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Từ sau Tết Trung thu, đường phố Hà Nội mọc lên rất nhiều ki-ốt bánh trung thu đại hạ giá, giảm giá từ 50 - 70% thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Lễ hội trăng rằm đã qua hơn chục ngày nhưng trên vỉa hè của nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội vẫn còn các ki-ốt bán bánh trung thu. Điểm chung của các ki-ốt này là không để tên thương hiệu bánh nữa mà thay vào đó là dòng chữ “BÁNH TRUNG THU ĐẠI HẠ GIÁ”. Có nhiều ki-ốt còn ghi cả giá bánh lên biển quảng cáo như chỉ 10.000 – 30.000 đồng/chiếc hoặc giảm giá từ 50 – 70%.

Theo quan sát của phóng viên, tại vỉa hè của tòa nhà Hồ Gươm Plaza trước đây có 4 ki-ốt bán bánh trung thu gồm: Kinh Đô, Hữu Nghị, Mai Sơn và Madam Hương. Trong dịp lễ Trung thu, các cửa hàng này tiếp đón khá đông khách với lượt mua lớn. Sau Tết Trung thu, nếu như Hữu Nghị và Mai Sơn đã “rút quân” thì Kinh Đô và Madam Hương lại bước vào cuộc chiến đại hạ giá.

bánh trung thu hạ giá 1
Bánh trung thu được bán giá từ 15.000 - 30.000 đồng/chiếc ở Hà Đông (Hà Nội)

Những khay bánh trung thu đủ vị gồm nướng và dẻo trước được bán giá từ 50.000 – 120.000 đồng nay chỉ còn từ 10.000 – 35.000 đồng. Sở dĩ giá rẻ là do những chiếc bánh trung thu hạn sử dụng chỉ còn vài ngày hoặc cùng lắm đến giữa tháng 11/2023.

Theo ghi nhận, tại các sạp hàng này vẫn có khá đông khách đến mua hàng. Một chủ ki-ốt bán bánh trung thu cho biết, lượng khách tìm đến mua không nhiều như chính vụ nhưng mỗi ngày cũng bán được vài chục đến vài trăm chiếc. Người này cũng cho biết thêm bánh trung thu đại hạ giá vẫn có lợi nhuận nhưng không nhiều bằng chính vụ, chủ yếu ăn theo số lượng.

bánh trung thu hạ giá 2
Bánh trung thu giảm giá được bày bán rất nhiều và thu hút người mua

Tại các ki-ốt trên địa bàn Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, những dòng chữ “đại hạ giá”, mua một tặng bốn” hay “giảm giá 50-70%” được ghi rất to và nổi bật để thu hút sự chú ý của người qua đường.

Bánh trung thu đại hạ giá cũng được rao bán, quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Đơn cử như bánh trung thu của Hải Châu đang được bán với giá 35.000/2 chiếc tức là khoảng 17.000 đồng/chiếc. Bánh có hạn sử dụng đến ngày 12/11 với 4 vị trà xanh, đậu xanh, đậu đỏ, sen cốm.

Dù bánh sắp hết hạn nhưng vì giá rẻ nên khá nhiều người tìm mua. Chị Bùi Thị Hiền (Thanh Trì, Hà Nội) cũng mua về 4 bánh nướng đủ vị. Chị cho biết: “Vài năm trở lại đây, cứ sau Tết Trung thu tôi lại tìm mua bánh trung thu hạ giá về ăn. Các thành viên trong gia đình tôi đều khen bánh ngon, chất lượng đảm bảo bởi vẫn còn trong hạn sử dụng”.

bánh trung thu hạ giá
Bánh trung thu đại hạ giá thường có hạn sử dụng đến hết tháng 10 hoặc giữa tháng 11

Không chỉ riêng chị Hiền mà nhiều người khác cũng có chung tâm lý mua hàng đại hạ giá và cho rằng chất lượng vẫn ổn. Nguyễn Kiều Lan (sinh viên một trường đại học ở Hà Đông) chia sẻ: “Bánh trung thu chính vụ khá đắt nên em không dám mua nhiều. Giờ hạ giá có thể mua ăn thoải mái mà vẫn còn hạn sử dụng. Trước đây một chiếc bánh 75.000 đồng thì giờ với số tiền đó em có thể mua từ 2 – 3 chiếc. Tuy nhiên mua bánh loại này em cũng phải kiểm tra rất kỹ vì sợ mua phải hàng đã hỏng”.

bánh trung thu hạ giá 3

Nếu như trước đây sau đêm Trung thu mua bánh rất khó thì vài năm nay bánh đại hạ giá được bày bán rất nhiều. Và giờ đây, mua bánh trung thu giá rẻ, đại hạ giá đang là xu hướng và tâm lý chung của nhiều người dân.

Tuy nhiên khi mua bánh trung thu đại hạ giá, người tiêu dùng cần quan sát và tìm hiểu thật kỹ tránh mua phải hàng đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc và thương hiệu, hàng bị dập nát, biến dạng. Các chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng nên quan sát kỹ và mua bánh không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, có đủ trang thiết bị che chắn bụi bẩn, nắng mưa, côn trùng và bảo quản đúng quy định của nhà sản xuất.

Cùng chuyên mục